NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 06, toàn bộ các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng mạnh do tác động từ báo cáo Diện tích Gieo trồng Mỹ 2021 – Acreage cùng với báo cáo Tồn kho ngũ cốc quý tính đến hết ngày 01/06/2021 – Grain Stocks.
Diện tích gieo trồng đậu tương của Mỹ năm nay chỉ đạt mức 87.56 triệu mẫu, thấp hơn cả khoảng dự đoán của thị trường. Thậm chị con số này còn chưa đạt tới số liệu mà USDA đưa ra trong báo cáo Triển vọng gieo trồng hồi tháng 3. Trong khi đó, tồn kho đậu tương trong quý đến hết ngày 01/06 chỉ ở mức 767 triệu giạ, thấp hơn 20 triệu giạ so với dự đoán trung bình của thị trường. Sự kết hợp của hai yếu tố trên khiến giá bật tăng gần 100 cents ngay sau khi các số liệu này được công bố. Lực mua được duy trì đến hết phiên và chỉ bị cản lại ở mốc kháng cự tâm lý 1400.
Lực mua ồ ạt khiến các hợp đồng ngô kỳ hạn đột ngột đảo chiều và tăng lên mức kịch trần bất chấp mức giảm mạnh trong phiên sáng. Trước đó, thị trường kì vọng rằng lượng tồn kho thấp sẽ được bù đắp nếu diện tích gieo trồng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, gieo trồng ngô niên vụ 2021/22 chỉ đạt 92.69 triệu mẫu, thấp hơn với mức dự đoán 93.79 triệu mẫu. Bên cạnh đó, tồn kho ngô cũng giảm mạnh so với báo cáo trước và thấp hơn mức cùng kì năm ngoái. Những số liệu trong 2 báo cáo này đã gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu và cộng hưởng tạo nên tác động “bullish” mạnh đối với giá ngô. Giới hạn với ngô sẽ được mở rộng lên 60 cents trong phiên hôm nay.
Giá lúa mì cũng tăng mạnh trong phiên hôm qua nhờ ảnh hưởng từ giá ngô. Diện tích gieo trồng lúa mì bất ngờ tăng nhẹ lên mức 46.74 triệu mẫu so với báo cáo trước trong khi thị trường kỳ vọng con số này sẽ giảm xuống. Thông tin này đã khiến hạn chế phần nào đà tăng giá lúa mì trong tối hôm qua.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê trên hai sàn đi ngược chiều nhau trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6. Giá Arabica giảm 0.28% còn 159.75 cents/pound, trong khi đó, giá Robusta tăng 1.79% lên 1705 USD/tấn. Biến chủng Delta lây lan mạnh mẽ đe dọa tới nhu cầu tiêu thụ Arabica, nhưng lại gia tăng nhu cầu đối với Cà phê Robusta. Thêm vào đó, tình trạng hàng kẹt cứng tại các khu vực cảng ở Indonesia và Việt Nam, cùng với chi phí cước tàu biển cao khiến cho các lô hàng Cà phê Robusta không tới được tay người mua cũng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Giá bông giảm mạnh hơn 3% bất chấp việc diện tích trồng bông năm nay của Mỹ thấp hơn so với dự đoán của thị trường trong báo cáo Acreage phát hành đêm qua. Trong cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Mỹ - CPC, thời tiết tại vùng đồng bằng phía nam sẽ khá thuận lợi trong suốt tháng 7 với mưa nhiều và nhiệt độ mát mẻ hơn mức trung bình, là yếu tố chính gây sức ép lên giá bông trong phiên hôm qua.
Giá đường tiếp tục tăng mạnh do sương giá tác động nghiêm trọng đến các vùng trồng mía tại Brazil và ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá dầu thô.
KIM LOẠI
Sắc xanh đã quay trở lại với bảng giá của thị trường kim loại bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD. Giá Bạc tăng 1.13% lên 26.191 USD/ounce, giá Bạch kim cũng tăng nhẹ 0.21% lên 1072.9 USD/ounce. Các số liệu kinh tế tích cực được công bố hôm qua cũng hỗ trợ cho vài trò kim loại công nghiệp của Bạc và Bạch kim. Doanh số nhà chờ bán trong tháng 5 tăng mạnh 8%, Thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP cũng tăng cao hơn gần 100,000 so với dự báo. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu trên toàn cầu giảm cũng hỗ trợ cho đà tăng của Bạc và Bạch kim. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần về 1.436%. Lợi suất cùng kì hạn của Đức cũng giảm về -0.212%.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tăng nhẹ 0.57% lên 4.289 USD/pound, giá Quặng sắt tăng 2.32% lên 203.13 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ các kim loại công nghiệp vẫn ở mức cao tại Trung Quốc bất chấp các nỗ lực kiểm soát giá của chính phủ. Thêm vào đó, biến chủng Delta đang gia tăng tại các nước châu Á có thể khiến cho rất nhiều mỏ khai thác kim loại tạm ngừng hoạt động, và đe dọa đến nguồn cung toàn cầu trong thời gian sắp tới. Đây có thể là hai yếu tố khôi phục lại đà tăng của Đồng và Quặng sắt trong phiên hôm qua.
NĂNG LƯỢNG
Ngày hôm qua, thị trường giao dịch chủ yếu dựa theo các phát biểu mà OPEC đưa ra. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 0.67% lên 73.47 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.46% lên 74.62 USD/thùng.
Giá dầu WTI trong phiên đã có lúc xuống dưới mức 73 USD/thùng, khi mà Ủy ban Kỹ thuật chung OPEC (JTC) đưa ra cảnh báo tồn kho dầu của các nước OECD có thể sẽ đạt dưa thừa từ tháng 4/2022 khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong nhóm chấm dứt. Tuy nhiên, giá đã phục hồi sau đó khi thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ có những động thái hỗ trợ giá khi có thông tin rằng các thành viên OPEC+ sẽ thảo luận khả năng kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Giá dầu cũng được hỗ trợ hôm qua khi số liệu từ Báo cáo Tồn kho dầu hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp với mức giảm 6.7 triệu thùng, mạnh hơn so với dự kiến của thị trường giảm 4.7 triệu thùng. Công suất lọc dầu tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất chuẩn bị cho kỳ nghỉ ngày Lễ Độc lập sắp tới.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên tiếp tục tăng 0.55% lên 3.65 USD/MMBtu, tuy nhiên đà tăng có thể sẽ chấm dứt sớm khi trong biểu đồ ngày đã xuất hiện mô hình nến đảo chiều.