NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, nhóm nông sản chìm trong sắc đỏ với mức giảm rất mạnh của tất cả các mặt hàng, xoá đi hoàn toàn mức tăng của tuần trước đó. Vào 23:00 tối nay, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Cung- cầu nông sản thế giới tháng 7. Trong báo cáo này, thị trường đang dự đoán sẽ có những thay đổi lớn về năng suất mùa vụ.
Giá đậu tương giảm 5%, về mức 1329.25 cent/giạ. Thời tiết ở khu vực Midwest dự báo sẽ được cải thiện nhờ lượng mưa lớn xuất hiện sau gần 2 tháng hạn hán là yếu tố chính tạo áp lực lên giá trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, giá dầu đậu tương hồi phục trong phiên cuối tuần cùng với lực mua kĩ thuật ở vùng 1300 đã hạn chế đà giảm của đậu tương.

Nhom nong san giam tro lai

Ngô là mặt hàng dẫn dắt đà giảm của toàn nhóm nông sản với mức giảm rất mạnh gần 11%, nối dài chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp. Mức giảm này chủ yếu do thời tiết mát mẻ và độ ẩm được cải thiện ở Vành đai ngô. Ngoài ra, số liệu đáng thất vọng về mức bán hàng giảm mạnh trong báo cáo Export Sales tuần trước cũng là yếu tố “bearish” đối với giá. Ngược lại, sản lượng ethanol vẫn ở mức cao trên 1 triệu thùng, tiệm cận với mức trước đại dịch cùng với thời tiết sương giá tiếp tục gây ảnh hưởng lên mùa vụ ở Brazil là yếu tố khiến giá vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng và duy trì trên 500 cent.
Lúa mì tuần vừa qua cũng giảm gần 6% về mức 615 cent/gịa, một phần vì ảnh hưởng từ diễn biến của giá ngô. Trong báo cáo Export Sales, mức bán hàng lúa mì Mỹ đang chậm hơn 11% và giao hàng chậm hơn tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự cạnh tranh từ lúa mỳ Nga, Úc và cả Canada đang khiến triển vọng xuất khẩu lúa mỳ kém hơn trong bối cảnh đồng USD cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên chất lượng lúa mì mùa xuân tiếp tục giảm xuống do hạn hán ở bang North Darkota đã phần nào hạn chế mức giảm của giá.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê trên hai sàn diễn biến trái chiều khi kết thúc tuần. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1.01% còn 151.5 cents/pound, trong khi giá Robusta cùng kỳ hạn tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên 1744 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai sàn cao không còn khiến nhà đầu tư quá mặn mà với Cà phê Arabica. Ngược lại, giá Robusta được hỗ trợ do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại Thành phố Hồ Chí Minh làm cho các hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn và làm dấy lên nỗi lo nguồn cung cho giai đoạn sắp tới.

Giá đường tiếp tục giảm rất mạnh gần 5% chủ yếu do lực bán kỹ thuật ở vùng kháng cự tâm lý 18 cents kết hợp với diễn biến giảm của giá dầu thô thế giới. Trong khi đó, lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 2300 lại giúp cho giá cacao tăng mạnh trở lại 2.23%.
Giá bông diễn biến trái chiều với toàn bộ nhóm nông sản với mức tăng xấp xỉ 1% nhờ các số liệu bán hàng và giao hàng tích cực trong báo cáo Export Sales.
KIM LOẠI
Thị trường kim loại quý tiếp tục diễn biến trái chiều trong tuần này. Đóng cửa tuần, giá Bạc giảm 1.01% còn 26.23 USD/ounce, giá Bạch kim hồi phục nhẹ 0.74% lên 1095 USD/ounce. Giá của cả hai mặt hàng kim loại quý đều giằng co mạnh trong tuần qua, tuy nhiên không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi các tin tức kinh tế cơ bản như diễn biến của đồng USD. Thay vào đó, hành vi giá tại các khu vực kỹ thuật là yếu tố mang tính chất quyết định nhiều hơn tới giá của Bạc và Bạch kim. Giá Bạc vẫn đang tích lũy trong biên độ 25.7 – 26.5 USD/ounce, tuy nhiên lực bán trong tuần vừa rồi đã thổi bay toàn bộ mức tăng của tuần trước đó. Ở thị trường Bạch kim, giá liên tiếp test vùng cản 1100 USD/ounce và đều thất bại. Hiện tại, giá đang đi ngang trong biên độ 1040 – 1100 USD/ounce.

Sắc xanh bao phủ trên bảng giá của các mặt hàng kim loại cơ bản. Giá Đồng cũng trải qua sự giằng co mạnh rồi đóng cửa tuần với mức tăng 1.63% lên 4.3455 USD/pound, bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc gia tăng nguồn cung bằng cách bán bớt Đồng trong kho dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, giá Quặng sắt tiếp tục tăng nhẹ 0.29% lên 204.31 USD/tấn, tuy nhiên đà tăng có dấu hiệu chững lại khi Chính phủ Trung Quốc liên tục gây sức ép lên các hoạt động sản xuất thép để đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu chấm dứt chuỗi tăng 6 tuần khi các bất ổn từ cuộc họp chính sách tháng 7 của OPEC đè nặng lên thị trường. Kế thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 0.8% xuống 74.56 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.81% xuống 75.55 USD/thùng.
Thông tin được quan tâm nhất trong tuần vừa rồi chính là các động thái của nhóm OPEC+ cũng như các thành viên chủ chốt, khi sự đối đầu của các bêndẫn đến cuộc họp tháng 7 bị hoãn vô thời hạn và hiện vẫn chưa có dấu hiệu các thành viên đã sẵn sàng để quay trở lại bàn đàm phán. Điều này khiến thị trường lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ tan rã. Trong khi đó, dịch COVID-19 quay lại đe dọa tại hầu hết các châu lục khiến nhiều người lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong nửa cuối năm nay. Đã có lúc giá WTI giảm mạnh xuống dưới 70.5 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá được hỗ trợ khi số liệu tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh tuần thứ 7 liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 cho thấy nhu cầu thực tế tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đã tăng lên. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và City Bank đều đưa ra nhận định tích cực rằng cuối cùng OPEC+ sẽ quay trở lại với thỏa thuận ban đầu là tăng 400,000 thùng/ngày từ tháng 8, phần nào ổn định tâm lý thị trường.
Giá khí tự nhiên giảm 0.7% xuống 3.674 USD/MMBtu, giảm điều chỉnh sau khi đã tăng liên tiếp trong thời gian vừa rồi..

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)