NÔNG SẢN
Sau một tuần tăng mạnh chưa từng có trước đó, lúa mì quay đầu rơi mạnh tới hơn 100 cents trong tuần vừa rồi. Mặc dù lực mua vẫn duy trì vào đầu tuần và có thời điểm đã đẩy giá vượt lên mức đỉnh cao nhất trong 14 năm qua nhưng đà tăng đã kết thúc khi xung đột ở Biển Đen đang trở nên bớt căng thẳng hơn.
Bên cạnh đấy, tồn kho lúa mì Mỹ niên vụ 21/22 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh tăng dự báo thêm 100,000 tấn, trái với dự đoán giảm của thị trường, cũng góp phần gây áp lực lên giá.
Giá ngô đã duy trì đà tăng trong tuần thứ 5 liên tiếp do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng đã thu hẹp đáng kể so với mức nhảy vọt của tuần trước đó do thông tin trên gần như đã phản ánh hết vào giá.
Một số tổ chức uy tín trên thế giới vẫn đang tiếp tục cắt giảm sản lượng ngô dự báo của Argentina và Brazil niên vụ 21/22. Nửa phía bắc của Pampas đang tiếp tục nhận được lượng mưa lớn trong vài tuần qua mặc dù trong ngắn hạn sẽ giúp bổ sung lại thiếu hụt độ ẩm trong thời gian trước đó nhưng nếu tiếp tục duy trì sẽ gây hại hơn là có lợi, do sẽ làm trì hoãn tốc độ thu hoạch.
Các mặt hàng nhóm đậu tương đều đóng cửa trong sắc xanh. Mặc dù gapup mạnh vào đầu tuần, tuy nhiên, diễn biến trong tuần trước của đậu tương khá giằng co. Giá chỉ biến động nhẹ trong bối cảnh những số liệu không quá bất ngờ trong báo cáo WASDE tháng 03 của USDA.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu đều tăng khá mạnh vào tuần trước. Dầu đậu đã tăng hơn 5% do được hỗ trợ từ diễn biến dầu cọ. Mới đây, Indonesia đã nâng nghĩa vụ thị trường nội địa đối với các doanh nghiệp sản xuất dầu cọ lên mức 30%, tăng từ mức 20% như hiện tại.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc tuần vừa qua, thị trường nguyên liệu công nghiệp ghi nhận sự phân hoá rõ rệt trên bảng giá của các mặt hàng. Cụ thể, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm hơn 1% về mức 221.95 cents/pound, trong khi hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 2.8% lên mức 2095 USD/tấn.
Yếu tố chính chi phối giá Arabica trong tuần vừa qua là những thông tin liên quan đến nhu cầu và nguồn cung. Trong đó, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đã khiến cho nhiều cửa hàng phải ngừng hoạt động, từ đó khiến nhu cầu tiêu thụ tại 2 quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề.
Ở một diễn biến khác, tồn kho Arabica trên Sở ICE ghi nhận ở cuối tuần trước đã đạt 1,027.688 bao. Con số này đang có dấu hiệu hồi phục kể từ khi đạt mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, từ đó khiến cho giá mất đi yếu tố hỗ trợ về nguồn cung trong ngắn hạn. Đối với mặt hàng Robusta, việc cước vận chuyển tăng cao cùng lực hồi phục kỹ thuật đã hỗ trợ giá tăng mạnh trong tuần vừa qua.
Giá đường 11 đóng cửa giảm 0.6% xuống còn 19.2 cents/pound, giá đường trắng giảm 0.4% xuống còn 530.2 USD/tấn.
Cacao kết thúc tuần không đổi với mức giá 2620 USD/tấn.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần, giá WTI giảm 5.49% xuống 109.33 USD/thùng, giá Brent giảm 4.61% xuống 112.67 USD/thùng.
Dầu thô biến động mạnh trong tuần trước, với các thông tin và kỳ vọng trái chiều về tình hình của thị trường năng lượng. Quyết định cấm cấm nhập dầu từ Nga của Nhà Trắng đã đẩy giá tăng mạnh, và khiến giá WTI thách thức mốc 130 USD/thùng. Phía các nước châu Âu EU cũng đang lập kế hoạch cắt giảm Bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Tuy vậy, một loạt các biện pháp “giải cứu” thị trường của Mỹ kết hợp với lực bán chốt lời đã đẩy giá giảm mạnh trở lại trong những ngày tiếp theo. Sau đà tăng 2 phiên đầu tuần, thị trường đã chứng kiến mức giảm sốc trong phiên còn lớn hơn cả ngày “Black Friday” 26/11 khi biến thể Omicron mới xuất hiện. Trong tuần này, 31 thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA sẽ công bố kế hoạch để cắt giảm sản lượng tiêu thụ, cũng như cân nhắc kế hoạch tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt giá dầu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với Venezuela trong nỗ lực thúc đẩy nước này xuất khẩu dầu trở lại, sau khi các vòng thảo luận với Iran đang phải tạm hoãn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV