NÔNG SẢN
Đậu tương lại là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm, chủ yếu do triển vọng nguồn cung vẫn chưa có cải thiện hơn. Sau những đợt hạn hán kỷ lục tại miền nam Brazil, nông dân ở phía tây bắc Parana đang báo cáo rằng năng suất đậu tương của họ ở mức rất thấp.
Tại Argentina, tình trạng cây trồng cũng không khả quan hơn khi chất lượng đậu tương đang ở mức gần sát với mức thấp nhất trong cả niên vụ. Đại diện từ Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires cho biết, lượng mưa trong thời gian gần đây sẽ chỉ duy trì tình trạng hiện tại của ngô và đậu tương và khó có thể bù đắp lại những thiệt hại trước đó.
Theo hãng tin Reuters, chính quyền tổng thống Joe Biden đang xem xét liệu việc miễn trừ trách nhiệm pha trộn nhiên liệu sinh học nhằm hạn chế đà tăng của lạm phát lương thực. Nếu những yêu cầu trên được bãi bỏ, áp lực lên nguồn cung dầu đậu ở Mỹ sẽ giảm dần và cũng là lý do cho việc mức tăng của giá bị thu hẹp trong tuần trước.
Vào tuần trước, hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 5 ghi nhận mức tăng hơn 40%, mức tăng hằng tuần lớn nhất từng được ghi nhận. Điều này cho thấy sự lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại biển Đen đang có tác động đến giá trong dài hạn.
Đà tăng mạnh của lúa mì đã kéo theo mức tăng rất lớn của giá ngô với hơn 15% trong tuần vừa rồi, khi xuất khẩu ngô ở Ukraine và Nga cũng chiếm gần 20% nguồn cung ngô toàn cầu.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm hơn 6% xuống còn 224.25 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 6.43% về mức 2038 USD/tấn.
Đối với thị trường Arabica, áp lực bán mạnh trong tuần xuất phát từ tâm lý phân bổ dòng tiền của giới đầu tư vào các nhóm nông sản, năng lượng và kim loại quý. Ngoài ra, những lo ngại về chuỗi cung ứng đã dần được xoa dịu do Brazil đã thành công trong việc giải quyết sự tắc nghẽn khi vận chuyển bằng container. Đối với thị trường Robusta, giá ghi nhận chuỗi giảm 7 trong 8 phiên liên tiếp do vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường. Tuy nhiên, giá trong phiên cuối tuần cũng đóng cửa trong sắc xanh nhờ lực phục hồi kỹ thuật.
Giá đường 11 đóng cửa tăng 9.94% lên mức 19.35 cents/pound, giá đường trắng đóng cửa cao khoảng 8.1 % và đạt mức 532.3 USD/tấn.
Giá bông đóng cửa giảm 1.86% xuống còn 116.42 USD/pound. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 24/02, xuất khẩu bông niên vụ 2021/22 và 2022/23 đạt lần lượt là 348,589 kiện và 105,199 kiện.
KIM LOẠI
Cả hai mặt hàng kim loại quý kết thúc tuần trong sắc xanh với giá bạc tăng gần 7.4% lên 25.789 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7.5 tháng. Giá bạch kim lập đỉnh 8 tháng với mức tăng khoảng 6.4% lên 1116.8 USD/ounce. Những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực tăng vọt, và có thể “xoá bỏ” mức tăng trưởng tích luỹ của toàn thế giới từ sau đại dịch đến nay. Áp lực lạm phát cũng khiến cho vai trò của vàng, bạc và bạch kim được đề cao và thu hút được dòng vốn lớn trong tuần vừa qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, rất nhiều mặt hàng lập đỉnh mới hoặc đạt được mức tăng trưởng hai chữ só trong tuần vừa qua. Giá đồng trên Sở COMEX lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới với mức tăng gần 10.1% lên 4.9375 USD/pound. Không chỉ đồng, giá nhôm cũng bứt phá gần 15% và lập đỉnh mới ở mức 3849 USD/tấn. Sức ép nguồn cung quay trở lại khi mà tồn kho của các mặt hàng đồng loạt giảm mạnh.
Giá Niken dẫn đầu đà tăng của nhóm kim loại với mức tăng gần 19% lên 28,919 USD/tấn. Nga hiện là nhà sản xuất nhôm và niken lớn, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng pin xe điện, nên tình hình xung đột căng thẳng leo thang cộng với những lệnh trừng phạt khiến cho việc vận chuyển các mặt hàng kim loại ngày càng trở nên khó khăn vì gần một nửa số tàu trên thế giới sẽ không còn đến Nga.
Thị trường quặng sắt cũng đạt được mức tăng trưởng gần 15% trong vòng một tuần qua. Nhà tiêu thụ lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc hiện vẫn chưa nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch Covid-19, nhưng đã lên kế hoạch nâng sản lượng quặng sắt sở hữu tại các mỏ ở nước ngoài lên 220 triệu tấn vào năm 2025 và tăng nguồn cung cấp nguyên liệu thô trong nước, vừa đảm bảo có đủ lượng gia tăng sản lượng thép và hạn chế tác động của ô nhiễm trong nước.
NĂNG LƯỢNG
Thị trường dầu thô chứng kiến mức tăng kỷ lục trong tuần vừa rồi, với WTI tăng mạnh 26.3% lên 115.68 USD/thùng trong khi Brent tăng 25.49% lên 118.11 USD/thùng. Cùng với sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, thị trường đối mặt với khả năng gián đoạn nguồn cung từ Nga khi các nước thuộc khối NATO cân nhắc biện pháp cấm vận nhập khẩu dầu thô từ nước này.
Bất chấp các lệnh cấm vận nhắm vào các lĩnh vực tài chính, kinh tế từ phía NATO, Nga tỏ rõ ý định sẽ không ngừng cuộc chiến tại Ukraine và điều này đang khiến cho Mỹ và châu Âu cân nhắc việc đánh thẳng vào nguồn thu chính của nước này – các khoản thu nhập từ dầu khí. Điều này đang khiến giá thách thức vùng 130 USD/thùng ngay trong sáng hôm nay, mức cao nhất kể từ 2008. Khả năng cao giá dầu vẫn còn dư địa để tăng, khi mà điều chỉnh với lạm phát, mức giá 120-130 USD/thùng hôm nay chỉ tương đương khoảng 90-100 USD/thùng 14 năm trước.
Tuy vậy, đối với các nước tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ dầu lên đến 20 triệu thùng/ngày, giá dầu cao sẽ kéo theo áp lực gia tăng từ lạm phát. Điều này có thể khiến cho đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải hành động để kiểm soát chi phí giá. Đây chắc chắn sẽ là điều FED phải cân nhắc trong cuộc họp chính sách tuần sau.
Vẫn còn đến 1 tháng cho dến khi cuộc họp OPEC+ tiếp theo diễn ra, còn trước mắt, mức tăng hàng tháng của nhóm vẫn chỉ “nhỏ giọt” ở 400,000 thùng/ngày. Tuy vậy, khó có thể trông chờ nhóm có thể “bù đắp” tình trạng thiếu hụt ngay cả khi tháng sau OPEC+ điều chỉnh sản lượng. Mặc dù về mặt lý thuyết nhóm vẫn còn gần 4 triệu thùng/ngày công suất thừa.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV