NÔNG SẢN
Đậu tương tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp lên mức 1601.50 cents/giạ, nhưng mức tăng đã suy giảm đáng kể so với các tuần trước đó. Trái với thời gian trước, thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ và đặc biệt là Argentina, khiến cho nguồn cung khô đậu toàn cầu có nguy cơ sụt giảm mạnh và tác động mạnh đến giá mặt hàng này, qua đó ảnh hưởng tích cực đến giá đậu tương, thì tuần vừa rồi, giá khô đậu đã quay đầu giảm gần 2% về mức 447.9 USD/tấn Mỹ, do dự báo có mưa trở lại ở các vùng gieo trồng chính.
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung hạt cọ dầu, cùng với các chính sách hạn chế xuất khẩu của Indonesia đã khiến giá dầu cọ thô tăng vọt 3% lên mức đỉnh lịch sử, giúp cho giá dầu đậu tương cũng tăng mạnh gần 3% lên mức 67.57 cents/pound, là yếu tố chính thúc đẩy giá đậu tương trong tuần qua.
Đối với lúa mì, các thông tin cơ bản tác động trái chiều khiến cho giá mặt hàng này đóng cửa tuần với mức thay đổi không đáng kể so với giá tham chiếu. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine tính đến hết ngày 14/02 đã đạt 17.55 triệu tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp lo ngại của thị trường về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn, đã gây sức ép lớn lên giá lúa mì Mỹ.
Tương tự như lúa mì, giá ngô cũng chỉ tăng nhẹ 0.5% lên 654.25 cents/giạ, khi không có thông tin cơ bản nào mới tác động lớn đến giá.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm 2.4% về 246 cents/pound, còn giá Robusta đóng cửa với mức giảm khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 0.7% về 2255 USD/tấn. Giá Arabica có một tuần giảm điều chỉnh sau khi thiết lập mức đỉnh 11 năm, và khiến cho sức ép bán cũng lan sang cả thị trường Robusta. Các tin tức cơ bản về nguồn cung vẫn tiếp tục đứng về đà tăng của giá Arabica, bởi mức tồn kho trên Sở ICE US đã giảm về 1.07 triệu bao, và có thể đánh mất mốc 1 triệu bao trong tuần này.
Giá bông giảm 1.42% về 121.16 cents/pound và là tuần thứ hai liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Giá tiếp tục điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn so với mức đỉnh lập vào tháng 11 trước đó. Đồng USD tăng giá khiến cho việc xuất khẩu bông của Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Thị trường đường cũng “hứng chịu” sức ép bán nhiều hơn trong tuần vừa qua. Hợp đồng đường 11 tháng 5 giảm gần 1.1% 17.62 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng giảm 0.92% về 484.9 USD/tấn.
KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt tăng mạnh, với giá bạc tăng gần 3% lên 23.992 USD/ounce, giá bạch kim tăng 5.7% lên 1076 USD/ounce và đang ở mức cao nhất trong vòng ba tháng. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, cùng với những lo ngại lạm phát đã giúp cho vai trò trú ẩn an toàn của hai mặt hàng kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng nhẹ 0.3% lên 4.5195 USD/pound và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, biên độ biến động trong tuần vừa qua cũng nhỏ hơn, và mức cao nhất giá chạm tới là 4.53 USD, khiêm tốn hơn so với mức 4.7 USD của tuần ngay trước đó. Giá quặng sắt lao dốc hơn 11% trong tuần vừa qua vì Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch hạn chế sự đầu cơ vào thị trường để tránh tình trạng giá tăng quá nóng như năm ngoái.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tháng 3 giảm 2.18% xuống 91.07 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 4 giảm 0.95% xuống 93.54 USD/thùng.
Hai yếu tố chính tác động lên tâm lý thị trường trong tuần vừa rồi chính là xung đột của các bên liên quan xoay quanh Nga – Ukraine, và thỏa thuận đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ. Mặc dù vẫn còn tồn tại các bất đồng, tuy nhiên hiện nay các bên đều cho biết đang tiến gần đến một thỏa thuận cuối cùng và Tehran được cho là đã có sẵn 80 triệu thùng dầu trên các tàu chở hàng sẵn sàng đem bán khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, bất chấp các cuộc đàm phán ngoại giao liên tục được tiến hành trong tuần, các xung đột tại khu vực ly khai Ukraine, tỉnh Donbasss lại tăng dần lên với các vụ nổ và tấn công bằng súng trong cuối tuần. Các bên cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Biden cho rằng xung đột này có thể trở thành cái cớ để Nga tiến hành tấn công Ukraine trong những ngày tới.
Khí tự nhiên tăng 12.43% lên 4.431 USD/MMBTu trong tuần vừa rồi, khi nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Âu tăng cao, sau các đe dọa về khả năng trừng phạt ngành năng lượng của Nga. 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV