NÔNG SẢN
Tuần vừa qua là khoảng thời gian mà giá ngô biến động rất lớn so với diễn biến lình xình trước đó khi giá trải qua nhảy vọt lên gần 5%, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 10 năm ngoái cho tới nay. Bất chấp việc sản lượng ethanol có tuần giảm đầu tiên về dưới 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, đà tăng mạnh của giá lúa mì đã tác động tích cực đến giá ngô, khi đây là 2 mặt hàng thay thế nhau trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đậu tương tiếp tục tăng mạnh, nhưng đà tăng có phần đã chững lại khi gặp mức kháng cự tâm lý 1600 cents. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm tồn kho đậu tương 21/22 của nước này về mức 8.84 triệu tấn, trong khi sản lượng đậu tương của Brazil bị Cơ quan Cung ứng Mùa vụ (Conab) cắt giảm mạnh 15 triệu tấn so với báo cáo trước đó, là yếu tố chính hỗ trợ giá đậu tương trong tuần vừa rồi.
Lo ngại về nguồn cung đậu tương của Nam Mỹ khiến giá khô đậu tiếp tục tăng mạnh gần 3% trong tuần vừa rồi, gây áp lực trái chiều lớn lên giá dầu đậu.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc tuần vừa qua, giá Arabica tăng mạnh hơn 4% lên 251.65 cents/pound và cũng là mức cao nhất trong vòng 11 năm, kể từ sau khi giá đạt 250 cents vào tháng 10 năm ngoái. Giá Robusta cũng đóng cửa tuần tăng gần 2.5% lên 2284 USD/tấn. Sức ép nguồn cung trong ngắn hạn là yếu tố hỗ trợ cho giá cả hai mặt hàng cà phê. Trên thị trường Arabica, mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm mạnh về 1.035 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Trên thị trường Robusta, đà tăng của giá đã không còn phụ thuộc vào một mình diễn biến của giá Arabica, mà còn được hỗ trợ nhờ những số liệu xuất khẩu tiêu cực của Việt Nam.
Sắc xanh quay trở lại thị trường đường, tuy nhiên mức tăng của cả hai mặt hàng đều không đáng kể. Hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 3 tăng 0.16% lên 18.26 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn tăng khoảng 0.6% lên 501.4 USD/tấn.
Giá bông kết thúc chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp bằng mức giảm 1.15% về 125.28 cents/pound. Thị trường đang điều chỉnh từ mức đỉnh 11 năm. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng làm giảm tiềm năng xuất khẩu bông của Mỹ.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng mạnh gần 4% lên khoảng 23.4 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm nhẹ 0.54% về 1018.7 USD/ounce. Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng về các động thái thắt chặt của FED cùng với những rủi ro địa chính trị xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá bạch kim không tăng quá mạnh bởi vai trò trú ẩn yếu hơn, và thường giá bạch kim biến động mạnh hơn so với giá bạc khá nhiều nên các nhà đầu tư ưu tiên phân bổ vốn vào thị trường bạc trước để tránh rủi ro.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, nỗi lo về nguồn cung là chất xúc tác thúc đẩy sức mua đối với mặt hàng đồng và nhôm trong tuần vừa qua. Giá nhôm đóng cửa tuần tăng 2.03% lên 3136.5 USD/tấn, còn giá đồng chỉ tăng nhẹ 0.41% lên 4.5060 USD/pound. Tồn kho nhôm trên Sở LME cùng với tồn kho đồng trên cả ba Sở lớn là Sở Thượng Hải, Sở LME và Sở COMEX giảm mạnh và hỗ trợ cho giá tăng trong phiên đầu tuần.
Giá quặng sắt tiếp tục tăng lên 149.8 USD/tấn nhờ vào sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào các nới lỏng hạn chế của thị trường bất động sản Trung Quốc.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần giao dịch, giá WTI tăng 0.86% lên 93.1 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.25% lên 94.44 USD/thùng.
Kỳ vọng các cuộc đối thoại ngoại giao của các quốc gia châu Âu EU và Nga sẽ đem đến một thỏa thuận chung hoặc làm “hạ nhiệt” vấn đề về biên giới Ukraine đã tan biến vào cuối tuần trước khi Mỹ cảnh báo Nga có thể tiến hành tấn công ngay vào tuần này, và một loạt các quốc gia như Đức, Hà Lan, Saudi Arabia,… kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine. Điều này khiến cho nguy cơ chiến tranh được cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trên thế giới, bất chấp Nga liên tục phủ nhận ý định xâm lược Ukraine.
Các báo cáo tháng quan trọng của EIA, IEA đều điều chỉnh tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022, trong khi OPEC nhận định có khả năng con số tiêu thụ thực tế sẽ còn tiếp tục tăng.
Khí tự nhiên chịu áp lực giảm mạnh trong tuần trước với 4 phiên giảm liên tục và kết tuần giảm đến 13.8% xuống 3.941 USD/MMBTu khi nhiệt độ quay trở lại mức bình thường tại Mỹ.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV