NÔNG SẢN
Lo ngại về nguồn cung đậu tương sụt giảm tại Nam Mỹ vẫn đang là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho giá khô đậu nói riêng và toàn bộ tổ hợp đậu tương nói chung. Một loạt các hãng tin uy tín đều đưa ra các dự báo về mức sụt giảm sản lượng khá lớn tại Brazil, so với báo cáo trước đó, và thị trường đang rất chờ đợi các số liệu cập nhật trong báo cáo tháng này của 2 tổ chức lớn, đó là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Brazil (CONAB), sẽ phát hành trong vài ngày tới.
Giá đậu tương cũng tăng mạnh khoảng 5.7% lên 1553.50 cents/giạ, nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá khô đậu, tuy nhiên, áp lực trái chiều cùng việc đà tăng của giá dầu cọ thô chững lại sau khi thiết lập mức đỉnh lịch sử, khiến cho giá dầu đậu chỉ tăng không đáng kể 0.14% trong tuần vừa rồi.
Lúa mì Chicago là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản khi đóng cửa tuần trước, với mức giảm gần 3%, xuống 763.25 cents/giạ. Thời tiết thuận lợi tại các vùng sản xuất ở Bắc Bán cầu, kết hợp với tình hình căng thẳng Nga – Ukraine không có dấu hiệu leo thang, là các nguyên nhân chính gây sức ép lên giá lúa mì.
Đà giảm của các mặt hàng lúa mì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của giá ngô, khiến cho giá ngô giảm 2.44%, xóa đi phần lớn mức tăng của tuần trước đó. Sản lượng ethanol của Mỹ mặc dù tăng nhẹ trong tuần vừa rồi, nhưng tồn kho ethanol tiếp tục tăng lên mức 25.9 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 04/2020, thời điểm mà làn sóng covid đầu tiên bùng phát, khiến cho nhu cầu có khả năng chững lại trong thời gian tới và gây sức ép lên giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 2.52% lên gần 241.9 cents/pound. Hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng hơn 1.6% lên 2229 USD/tấn. Sự suy yếu của đồng USD cùng với nỗi lo nguồn cung trong ngắn hạn đã thúc đẩy sức mua trên cả hai Sở. Tỷ giá USD/BRL có tuần giảm thứ tư liên tiếp. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm mạnh hơn 100,000 bao trong tuần trước về 1.1 triệu bao, chỉ cách mức thấp nhất trong vòng 20 năm chưa đến 20,000 bao.
Giá bông tăng tuần thứ 9 liên tiếp, và cũng là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10 năm 2017. Hiện giá vẫn đang vững vàng trên mức đỉnh 11 năm là 126.74 cents/pound. Sự suy yếu của đồng USD hỗ trợ cho xuất khẩu khiến giá tăng mạnh vào đầu tuần, tuy nhiên đà tăng chững lại vào các phiên sau đó do áp lực chốt lời, cùng với số liệu của báo cáo Export Sales không quá tích cực.
Cũng như thị trường cà phê, sắc xanh đã quay trở lại với thị trường đường. Hợp đồng đường 11 tháng 3 nhích nhẹ gần 0.2% lên 18.23 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn tăng khoảng 0.7% lên 498.5 USD/tấn. Mức tăng khiêm tốn cho thấy lực mua cũng không quá mạnh trên thị trường, bởi triển vọng sẩn xuất ở Ấn Độ và Thái Lan đều rất tích cực. Lý do chính thúc đẩy sức mua xuất phát từ đà tăng mạnh mẽ của thị trường dầu thô.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng nhẹ khoảng 0.8% lên 22.475 USD/ounce. Giá bạch kim tăng gần 2% lên 1024.2 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD cùng với việc tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện đã hỗ trợ rất nhiều cho giá của cả hai mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm gần 2% về 95.5 điểm. Ngoài ra, lực mua ở khu vực hỗ trợ tâm lý 22 USD đối với bạc và 1000 USD đối với bạch kim cũng là một nguyên nhân khiến giá tăng. Tuy nhiên, thị trường kim loại quý có thể đối mặt với rất nhiều sức ép trong thời gian tới.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng hơn 4% lên 4.4875 USD/pound. Bất chấp việc Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, kéo theo sự sụt giảm của các hoạt động mua bán giao ngay, và hoạt động giao dịch của nhóm thương nhân, giá đồng vẫn nhận được lực mua lớn từ phe đầu cơ và gần như lấy lại mức giảm của tuần trước đó.
Giá quặng sắt giảm 0.7% về 145.05 USD/tấn. Cũng như thị trường đồng, các hoạt động giao dịch trên thị trường quặng sắt cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc. Đà tăng của giá quặng sắt đã kéo dài từ tháng 11/2021 đến nay, và thị trường sẽ không tránh khỏi việc giảm điều chỉnh.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 6.32% lên 92.31 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 5.37% lên 93.27 USD/thùng.
Một loạt các yếu tố “bullish” thúc đẩy giá dầu đi lên vùng đỉnh 7 năm trong tuần trước, bất chấp khối lượng giao dịch giảm trong tuần nghỉ lễ Tết Âm lịch tại châu Á. Quan trọng nhất là các dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục vượt qua nguồn cung. Với các con số tiêu thụ dầu gần đây, một số nhà phân tích cảnh báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới thực tế có thể còn cao hơn số liệu mà các tổ chức lớn như Cơ quản Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA dự đoán trước đó.
Bên cạnh đó, thời tiết trở thành yếu tố hỗ trợ lớn trong tuần vừa rồi đối với giá dầ. Một cơn bão lớn quét qua Mỹ đã làm cho gần 100,000 người dân Mỹ mất điện trong khi nhu cầu cho các loại dầu sưởi ấm gia tăng. Ngoài ra, các thông tin địa chính trị một lần nữa cũng trở thành nhân tố thúc đẩy lực mua gia tăng. Hiện tại, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Nga trong xung đột Nga – NATO, có thể khiến cho các tranh cãi gia tăng. Cả Nga và Mỹ đều đã điều động thêm quan đến gần biên giới Đông Âu, và khả năng cao các căng thẳng sẽ còn gia tăng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV