Bảng giá gạo ngày 30/7

 

FAO dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2015 thấp hơn năm ngoái


Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dự đoán, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,3 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức trung bình của 6,5 triệu tấn của năm 2014. Trước đó, theo Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam, Việt Nam đã xuất khoảng 2,926 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ ngày 1/1 - 23/7/2015, giảm 19% so với 7 tháng đầu năm 2014.

FAO ước tính, tổng sản lượng thóc lúa của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 44,68 triệu tấn (tương đương 28,8 triệu tấn gạo), giảm 1% so với năm 2014. Sản lượng gạo giảm chủ yếu do tác động của hiện tượng El Nino. Theo các viện Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, hiện tượng El Nino sẽ hoạt động mạnh hơn trong những tháng tới và kéo dài đến tận mùa đông năm 2015 - 2016.

Trước đó, USDA ước tính Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 28 triệu tấn gạo (tương đương 45 triệu tấn thóc) và xuất khẩu khoảng 6,7 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2014 - 2015 (tháng 1/2015 - tháng 12/2015).

Nhật Bản có thể áp hạn ngạch nhập khẩu gạo Mỹ miễn thuế trong Hiệp định TPP

Theo truyền thông địa phương, Nhật Bản dự tính sẽ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu 70.000 tấn gạo miễn thuế của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, đàm phán TPP đã đi vào bế tắc do một số vấn đề liên quan đến thị trường gạo Nhật Bản và thuế hải quan Mỹ áp dụng với các bộ phận ôtô.

Kế hoạch này có thể được Nhật Bản đề xuất trong cuộc họp 4 ngày giữa các bộ trưởng của 12 quốc gia, như Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, bắt đầu từ ngày 28/7/2015 tạ Hawaii.

Nhật Bản dự kiến đặt mức hạn ngạch nhập khẩu ban đầu ở 50.000 tấn gạo sau đó tăng dần lên 70.000 tấn trong vòng 10 năm tiếp theo, dù Mỹ yêu cầu Nhật Bản tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Mỹ lên 175.000 tấn. Với mức hạn ngạch như vậy, Nhật Bản có thể giảm bớt sự cạnh tranh của nước ngoài đối với ngành lúa gạo nội địa. Nhật Bản có thể không cần duy trì hạn ngạch này hàng năm nhưng kim ngạch nhập khẩu gạo sẽ phụ thuộc vào nhu cầu nội địa.

USDA ước tính, Nhật Bản có thể sản xuất khoảng 7,7 triệu tấn gạo và nhập khẩu 700.000 tấn gạo từ tháng 11/2014 - tháng 10/2015 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 8,2 triệu tấn gạo.

Ngoài ra, Nhật Bản có thể sẽ đề xuất hạn ngạch nhập khẩu gạo của Australia ở mức 12% so với mức hạn ngạch áp dụng cho Mỹ. Tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Mỹ và Australia có thể sẽ lên tới 80.000 tấn, theo nguồn thạo tin.

Campuchia đầu từ 450.000 USD vào ngành lúa gạo để thúc đẩy xuất khẩu


Theo một quan chức thuộc Hiệp hội Lúa gạo Campuchia, Bộ Thương mại nước này vừa ký kết thỏa thuận ghi nhớ để đầu tư 450.000 USD vào ngành lúa gạo. Số tiền này sẽ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo thông qua các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, hợp đồng giữa các chính phủ cũng như để phát triển hạ tầng cơ sở trong nước.

Xuất khẩu gạo của Campuchia được cho là gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các phương tiện kỹ thuật để xay xát, dự trữ và vận chuyển. Mặc dù đặt ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm nay nhưng Chính phủ Campuchia cho rằng có thể sẽ chỉ xuất được 60.000 tấn trong cả năm.

Campuchia xuất khẩu khoảng 283.825 tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. USDA ước tính, Campuchia sẽ xuất 1,1 triệu tấn gạo (gồm cả xuất khẩu chính thức và không chính thức sang Việt Nam và Thái Lan qua biên giới) trong năm 2015.

Thái Lan sẽ xuất khẩu 76.000 tấn gạo dự trữ sang châu Phi

Theo thông tin Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cung cấp cho Reuters, chính phủ Thái Lan vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ để xuất khẩu khoảng 76.000 tấn gạo dự trữ sang một số quốc gia châu Phi, như Mozambique, Nigeria và Nam Phi.

TREA cho biết, chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu xuất khẩu gạo sang khu vực này từ tháng 9/2015. Giá xuất khẩu gạo sẽ vào khoảng 430 USD/tấn.

Hiện tại, chính phủ Thái Lan vẫn còn 14,5 triệu tấn gạo trong kho dự trữ và dự định sẽ bán khoảng 10 triệu tấn trong năm nay thông qua các phiên đấu giá.

Nguyễn Dung

Theo Oryza