Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 6 USD/thùng trong phiên giao dịch vừa qua, mức giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng, do lo ngại nhu cầu nhiên liệu có thể giảm khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng, trong khi tình trạng bất ổn ở Iraq không làm giảm xuất khẩu dầu thô của quốc gia OPEC này.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 5,78 USD, tương đương 5,5%, xuống 99,31 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm mức thấp 97,55 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 10 sẽ hết hạn vào thứ Tư (31/8), và hợp đồng kỳ hạn tháng 11 – giao dịch nhiều hơn - có mức giá 97,84 USD, giảm 4,9%. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5,37 USD, tương đương 5,5%, xuống 91,64 USD.
Các nhà giao dịch lo với lạm phát gần mức hai con số ở nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, các ngân hàng trung ương có thể dùng đến các biện pháp tăng lãi suất mạnh mẽ hơn, làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Nhà hoạch định chính sách của Estonia, Madis Muller, cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu nên có nhiều động thái, trong đó có việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, trong cuộc họp chính sách vào tháng 9. Lạm phát của Đức trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 50 năm, dữ liệu cho thấy. Ngân hàng trung ương Hungary đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản lên 11,75%.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, đã nhắc lại cam kết hạ nhiệt lạm phát, dù điều này có thể gây ra những tác động không mong muốn đến các gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Việc đặt cược vào một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nữa của Fed cũng đã thúc đẩy đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá dầu tính bằng USD trở nên đắt hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết thông tin từ Iraq rằng xuất khẩu dầu của nước này không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu. Cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong nhiều năm ở Baghdad đã lắng xuống. Công ty SOMO của nwocs này cho biết họ có thể chuyển hướng xuất khẩu nhiều dầu hơn sang châu Âu nếu được yêu cầu.
Ngoài ra giá càng chịu thêm áp lực khi nhà sản xuất dầu Gazprom của Nga, Gazprom, cho biết họ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng dầu tại mỏ Zhagrin ở Tây Siberia lên hơn 110.000 thùng mỗi ngày.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là OPEC +, vào ngày 5 tháng 9.
Saudi Arabia tuần trước đã thông báo khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng, nhưng các nguồn tin cho biết có thể trùng hợp với sự gia tăng nguồn cung từ Iran nếu nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Trong một đợt tăng nguồn cung có thể xảy ra khác, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela cho biết nước này đã sẵn sàng tiến tới hợp tác kinh doanh với tập đoàn dầu khí lớn Chevron Corp, nói thêm rằng tiến độ khởi động lại các hoạt động phụ thuộc vào giấy phép từ Washington.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ, các nguồn dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong khi dự trữ nhiên liệu giảm trong tuần gần đây nhất. Cụ thể, dự trữ dầu thô tăng khoảng 593.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26 tháng 8, theo dữ liệu. Dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng đã giảm trong tuần tính đến ngày 26 tháng 8, kết quả một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho việc Mỹ và những nơi khác trên thế giới sẽ đồng loạt tăng lãi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 1.723,65 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất trong một tháng là 1.719,56 USD ở phiên liền trước; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,8% xuống 1.736,3%.
Tại cuộc họp ở Jackson Hole vào tuần trước ở Wyoming, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã có lời lẽ cho thấy thái độ rất tích cực trong việc điều chỉnh lãi suất, cam kết nỗ lực hết sức để kiềm chế lạm phát cao, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.
Hầu hết các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 9. Tuy nhiên, sau đó, dòng tiền trú ẩn an toàn vẫn sẽ chảy vào vàng ở một thời điểm nào đó nếu nền kinh tế bắt đầu chậm lại.
Chỉ số Dollar index tăng 0,3% trong phiên vừa qua khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ đối với người mua ở nước ngoài.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,9% xuống 18,39 USD/ounce, bạch kim giảm 1,9% xuống 847,50 USD/ounce, trong khi palladium giảm 2,9% xuống 2.084,69 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá cũng đồng loạt giảm. Theo đó, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần sau khi Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell cảnh báo về một giai đoạn kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng “chậm chạp đau đớn” và do các hạn chế chống COVID-19 ở Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - đã ảnh hưởng đến tâm lý.
Trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên giảm 3,5% xuống 7.875 USD/tấn, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/8, là 7.846 USD.
Giles Coghlan, nhà phân tích của công ty môi giới HYCM, cho biết: “Giá đồng gần đây đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về một cuộc 'hạ cánh khó khăn' sau bài phát biểu của ông Powell vào thứ Sáu tuần trước.”, và "Dữ liệu lao động của Mỹ trong tuần này sẽ là trọng tâm chính và tôi hy vọng kể từ đó các kim loại cơ bản sẽ có xu hướng rõ rệt."
Ben cạnh việc dự kiến tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, ông Powell cũng cho biết Fed sẽ không nhanh chóng quay trở lại chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát được kiểm soát.
Cảnh báo của ông Powell về lãi suất cũng đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền chính khác, khiến hàng hóa định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Động lực tăng giá hơn nữa đối với đồng USD đến từ niềm tin mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ và dữ liệu việc làm.
Mối lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc càng gia tăng sau khi Thâm Quyến đóng cửa thị trường điện tử lớn nhất thế giới Huaqiangbei và đình chỉ dịch vụ tại các ga tàu điện ngầm để kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này cũng giảm 4,1% xuống 2.390 USD/tấn; kẽm giảm 2,5% xuống 3.475 USD, chì tăng 0,1% lên 1.987 USD, thiếc giảm 4,4% xuống 23.650 USD và niken giảm 1% xuống 21.415 USD/tấn.
Việc cấp điện trở lại ở tỉnh Tứ Xuyên sẽ làm tăng nguồn cung nhôm ở Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng các vấn đề về điện ở châu Âu sẽ hỗ trợ cho giá mặt hàng này.
Giá sắt thép châu Á cũng đồng loạt giảm. Trên sàn Đại Liên và Singapore, giá quặng sắt đều giảm mạnh xuống dưới 100 USD/tấn trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo lắng về việc áp dụng những hạn chế chống COVID-19 và hạn chế sản lượng thép ở nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên giảm hơn 5% xuống 682 nhân dân tệ (98,57 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tuần là 680,50 nhân dân tệ vào đầu phiên.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 10 - giao dịch sôi động nhất - giảm 4,5% xuống 97,25 USD/tấn. Giá quặng sắt tại Đại Liên đã giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục của năm nay, là 890 nhân dân tệ/tấn vào tháng 6.
Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc, trong ngày 29/8 ở mức 104,50 USD/tấn, giảm 36% so với mức đỉnh 163 USD vào tháng 3, dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy.
Giá thép cũng giảm sau khi một số thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến và Đại Liên, gia tăng những biện pháp hạn chế COVID-19 để kiềm chế dịch bệnh bùng phát. Trên sàn Thượng Hải, thép thanh vằn giảm 3,7% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 3% và thép không gỉ giảm 1,3%.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết dịch bệnh vẫn là một "thách thức nghiêm trọng" đối với ngành công nghiệp sắt thép khổng lồ của Trung Quốc khi các đợt phong tỏa đang làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thép và nguyên liệu đầu vào, các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết.
Chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đã khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại trong năm nay, khiến Bắc Kinh phải tăng cường hỗ trợ kích cầu.
Việc kiểm soát sản xuất thép để hạn chế phát thải ở quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới cũng đang làm giảm nhu cầu về các nguyên liệu sản xuất thép.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc đồng loại giảm theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa và chứng khoán khi các nhà giao dịch lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Việc bán chốt lời về cuối tháng cũng ảnh hưởng đến giá ngô kỳ hạn tương lai, một ngày sau khi hợp đồng tham chiếu – kỳ hạn tháng 12-0 đạt mức cao nhất trong hai tháng, liên quan đến việc giảm triển vọng sản xuất cây trồng của Mỹ.
Kết thúc phiên, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 7-3/4 US cent xuống 6,75-1/4 USD/bushel, một ngày sau khi đạt 6,83-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 22-1/2 cent ở mức 8,20-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 3 US cent, xuống 14,34-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,34%, tương đương 1,8%, xuống 18,10 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 11,40 USD, tương đương 2% xuống 548,50 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường bị áp lực một phần do giá năng lượng giảm. Cũng có những bình luận về việc COVID khiến Trung quốc phải tiếp tục phong tỏa, có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu đường. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu giảm có thể dẫn đến việc Brazil sử dụng mía để sản xuất đường hơn là sản xuất ethanol.
Giá cà phê arabica giảm nhẹ khỏi mức cao nhất trong vòng 6 tháng đạt tới vào tuần trước do mưa ở Việt Nam và triển vọng thời tiết ẩm ướt hơn ở Brazil làm giảm bớt lo ngại về mùa vụ.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1,4%, tương đương 0,6%, xuống 2,352 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong sáu tháng là 2,4295 USD vào tuần trước. Giá phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 18 USD, tương đương 0,8% xuống 2.261 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 7,5 tháng, là 2.355 USD vào tuần trước.
Tồn trữ cà phê tại các kho được sàn ICE chứng nhận tính tới 30/8 tăng 8.120 bao lên 671.994 bao, tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong 23 năm.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá trên thị trường Thượng Hải sau khi lo ngại về nhu cầu chậm lại ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – gây áp lực lên giá.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 tại Sở giao dịch Osaka giảm 2,1 yên, tương đương 0,9%, xuống 226,4 yên (1,64 USD)/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 145 nhân dân tệ xuống 12.635 nhân dân tệ (1.827 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giảm 2,6% xuống 139,8 US cent/kg.
Tâm lý các nhà giao dịch bị ‘tổn thương’ do những dấu hiệu suy yếu mới ở Trung Quốc, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng bất động sản, dịch COVID-19 tái đi tái lại và các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất ở một số tỉnh.
Toyota Motor Corp cho biết sản lượng xe toàn cầu trong tháng 7 của hãng đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt mục tiêu trong tháng thứ tư liên tiếp.
Tuy nhiên, sản lượng cao su của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - Thái Lan - có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo về mưa lớn tiếp tục bị cô lập và cảnh báo lũ lụt trên khắp cả nước, bao gồm cả các tỉnh trồng cao su truyền thống phía Nam. Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp thúc đẩy nhu cầu và ổn định việc làm và giá cả trong nửa cuối năm để tối ưu hóa kết quả kinh tế, thông tin từ Bộ Tài chính nước này cho biết.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)