Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới tăng khoảng 2% do hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách thắt chặt lãi suất sau báo cáo lạm phát quan trọng trong tuần này, dù cho những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn còn.
Kết thúc phiên 11/4, giá dầu Brent tăng 1,43 USD hay 1,7% lên 85,61 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 1,79 USD hay 2,2% lên 81,53 USD/thùng.
Các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, khiến dầu được định giá bằng đồng USD rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết triển vọng Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa và với mức tăng 0,25 điểm phần trăm là một điểm khởi đầu tốt nhưng lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới.
Báo cáo lạm phát của Mỹ sẽ được công bố ngày 12/4, dự kiến sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá lộ trình lãi suất trong ngắn hạn.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho hay triển vọng nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn. Trong tuần này, thị trường có thể biết được liệu nền kinh tế Mỹ có đang bước vào giai đoạn suy thoái hay không.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 3/2023 đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2021, cho thấy nhu cầu suy yếu vẫn còn trong quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều.
Giá dầu kỳ hạn đã tăng khoảng 7% kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, hay còn gọi là OPEC+, gây bất ngờ cho thị trường vào tuần trước khi cắt giảm thêm các mục tiêu sản xuất từ tháng 5/2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự báo sản lượng của OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm 2023, sau đó tăng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, sau khi thỏa thuận sản lượng của nhóm hết hạn. EIA cho biết tổng sản lượng nhiên liệu lỏng ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Tại Pháp, việc khởi động lại nhà máy lọc dầu cuối cùng trong số 4 nhà máy lọc dầu trong nước bị đóng cửa do đình công kéo dài một tháng qua báo hiệu nhu cầu dầu thô có thể tăng.
Tina Teng, nhà phân tích thuộc CMC Markets, nhận định chỉ số CPI tháng 3/2023 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều này có thể thúc đẩy chính phủ nước này kích thích nền kinh tế hơn nữa.
Về nguồn cung của Mỹ, dữ liệu về lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ sẽ được công bố ngày 11/4. Ước tính trung bình từ 5 nhà phân tích được Reuters thăm dò là dự trữ dầu thô giảm khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/4.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng thế giới tăng trở lại trên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce khi đồng USD rời khỏi mức đỉnh của phiên trước đó, trong khi các nhà giao dịch chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến công bố ngày 12/4, để có thêm manh mối về chính sách lãi suất trong tương lai.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.005,79 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa cũng tăng 0,8% lên 2.019 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,8% lên 25,08 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 997,20 USD/ounce, còn giá palladium tăng 3% lên 1.454,17 USD/ounce.
Vàng thỏi đã có một khoảng thời gian tạm ngừng tăng sau khi phục hồi trong phiên trước đó, cũng giúp bù đắp áp lực từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của công ty tài chính TD Securities, cho biết ở giai đoạn này, thị trường không đặc biệt quan tâm đến việc liệu Fed có tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2023 nữa hay không,
“Thị trường đang xem xét xu hướng và dấu hiệu lãi suất thấp hơn khi chuẩn bị bước vào nửa cuối năm 2023”.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết triển vọng ngân hàng này chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa thêm 0,25 điểm phần trăm là một điểm khởi đầu tốt, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương nên thận trọng về việc tăng lãi suất ở Mỹ khi đối mặt với căng thẳng ngành ngân hàng gần đây.
Vàng đã giảm gần 1% trong phiên 10/4 sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ hôm 7/4 khiến khả năng lãi suất tăng thêm vào tháng 5/2023 tăng lên khoảng 70%.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI), công bố ngày 12/4, có thể cung cấp dấu hiệu về việc Fed sẽ tiếp tục chiến dịch chống lạm phát trong bao lâu.
Nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết nếu CPI tăng cao hơn và hỗ trợ việc thắt chặt chính sách tiền tệ sau báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, thì lợi suất thực tế có thể tăng cao hơn, do đó làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết các ngân hàng trung ương không nên ngừng cuộc chiến chống lạm phát vì rủi ro ổn định tài chính.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do USD yếu đi mặc dù số liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất yếu đã hạn chế đà tăng trong bối cảnh dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể mang lại manh mối về lãi suất của Mỹ.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,6% lên 8.853 USD/tấn. Kim loại này chủ yếu giao dịch từ 8.500 USD tới 9.000 USD/tấn kể từ tháng 2.
Giới phân tích cho biết lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 18 tháng và giá bán buôn giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2020 cho thấy hoạt động và nhu cầu trì trệ.
Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư (12/4), sẽ là manh mối cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong cuộc họp tới vào ngày 3/5.
Giles Coghlan, trưởng bộ phận phân tích thị trường của nhà môi giới HYCM cho biết: “Mọi con mắt đang đổ dồn vào dữ liệu CPI của Mỹ, định hướng cho biến động tiếp theo của mặt hàng đồng”.
Dữ liệu giá nhà và thương mại của Trung Quốc trong tuần này cũng sẽ được các thị trường kim loại công nghiệp háo hức chờ đợi.
Hỗ trợ giá đồng là dự trữ thấp, gây lo lắng về nguồn cung trên thị trường LME và khiến giá giao ngay cao hơn so với hợp đồng giao sau ba tháng.
Về những kim loại cơ bản khác, nhôm giảm xuống 2.296 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 23/3 do lo ngại về nhu cầu từ các công ty vận tải, đóng gói và xây dựng lấn át lo lắng về nguồn cung ở Châu Âu và Trung Quốc. Kết thúc phiên, giá nhôm giảm 1,2% xuống 2.306 USD/tấn; giá kẽm giảm 0,4% xuống còn 2.768 USD, chì giảm 0,4% ở mức 2.087 USD, thiếc mất 2,5% xuống còn 23.695 USD và niken tăng 3,3% lên 23.550 USD.
Giá quặng sắt biến động trong phiên 11/04, tiếp tục giảm lúc đầu phiên bởi lo ngại về nhu cầu thép yếu ở Trung Quốc, trước khi đảo chiều giảm do một cơn bão nhiệt đới hướng tới cảng Hedland của nước cung cấp hàng đầu thế giới - Australia.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1,5% lên 798,5 CNY (115,97 USD)/tấn. Trước đó giá đã giảm khoảng 1,7% xuống 773,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 27/3. Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 5 tăng 1,7% lên 119,5 USD/tấn cũng đảo chiều giảm trước đó. Giá đã xuống mức thấp nhất 3 tháng tại 115,2 USD/tấn trong ngày 10/4.
Tại Thượng Hải thép thanh giảm 0,2% và thép cuộn cán nóng giảm 0,3%, trong khi thép cuộn tăng 0,1% và thép không gỉ tăng 2,5%.
Port Hedland, nơi xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới và được tập đoàn BHP, Fortescue và Hancock Prospecting sử dụng, sẽ được thông quan sớm trong ngày 12/4 do một cơn bão nhiệt đới đang đến gần.
Quặng sắt phục hồi sau đợt bán tháo bởi thất vọng về nhu cầu thép tăng chậm theo mùa ở Trung Quốc. Với nhu cầu thép yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trong nước chậm chạp, sự bi quan của thị trường đã tăng lên.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết: “Nhu cầu trong mùa cao điểm của nhu cầu thép không mạnh. Với nhu cầu thép yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và hoạt động chậm chạp trong lĩnh vực bất động sản trong nước, họ cho rằng "sự bi quan của thị trường đã tăng lên".
Những lo ngại về sự can thiệp của cơ quan quản lý ở Trung Quốc để kiềm chế giá quặng sắt cũng đã kéo giá quặng sắt kỳ hạn xuống dưới 120 USD/tấn kể từ tuần trước.
Cơ quan Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết chính quyền sẽ tăng cường giám sát thị trường quặng sắt, yêu cầu các thương nhân không cố tình phóng đại việc tăng giá.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng sau khi chính phủ Mỹ trong một báo cáo hàng tháng giảm ước tính sản lượng của Argentina xuống mức thấp nhất 23 năm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu tương tại Argentina sẽ ít hơn so với dự báo trước đóm ở mức 27 triệu tấn do hạn hán tàn phá các cánh đồng tại đây.
Hợp đồng đậu tương trên sàn Chicago kết thúc phiên tăng 10 US cent lên 14,97-1/4 USD/bushel, sau khi đạt 15,07-1/2 USD trong phiên này; trái lại giá ngô giảm 3 US cent xuống 6,51 USD/bushel và lúa mì giảm 4-1/2 US cent xuống 6,74 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm do nguồn cung bị thắt chặt do sản lượng thấp hơn dự kiến ở một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,81 US cent hay 3,4% lên 24,37 US cent/lb sau khi có lúc đạt 24,45 US cent, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 29,3 USD hay 4,4% hay 702,5 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất 11 năm tại 706,7 USD/tấn.
Sản lượng giảm tại 3 nhà sản xuất đường hàng đầu Châu Á sẽ khiến thị trường phụ thuộc nhiều vào Brazil và có những lo ngại về việc vận chuyển nguồn cung từ các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới có thể bị gián đoạn do tắc nghẽn.
"Trung Nam Brazil dự kiến sẽ sản xuất lượng đường lớn thứ hai lịch sử trong niên vụ này. Tuy nhiên, có những lo ngại về việc liệu Brazil có thể xuất khẩu tất cả nguồn cung này hay không với sự cạnh tranh gia tăng về hậu cần sau khi sản lượng đậu tương và ngô trong nước đạt kỷ lục," ING cho biết trong một lưu ý. Mưa dự kiến ở Brazil trong những ngày tới có thể làm giảm tốc độ thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã giảm dự báo sản lượng đường trong nước niên vụ 2022/23 xuống 9 triệu tấn từ 9,33 triệu tấn trong dự báo tháng trước đó.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 lúc đóng cửa tăng 67 USD hay 3% lên 2.323 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 7,5 tháng tại 2.326 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 7,75 US cent hay 4,3% lên 1,8845 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường đã được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn do nhu cầu mạnh và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái từ nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng nhẹ theo xu hướng giá dầu thô tăng và thị trường Thượng Hải ổn định, nhưng triển vọng toàn cầu u ám đã hạn chế chiều tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,7 JPY hay 0,3% lên 205,0 JPY (1,54 USD)/kg. Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 9 tăng 65 CNY lên 11.730 CNY (1.703,56 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 5 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 133,4 US cent/kg, tăng 0,5%.
“Thị trường Thượng Hải có vẻ ổn định và điều này dẫn đến giá trên sàn Tocom vững chắc hơn, nhưng mặt khác, cao su vẫn giao dịch trong phạm vi giới hạn,” một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết.
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass hôm thứ Hai cho biết tổ chức cho vay này đã điều chỉnh tăng nhẹ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2% so với mức dự báo hồi tháng 1 là 1,7% nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại do tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2022 sẽ làm tăng gánh nặng nợ cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng và giá tại cổng nhà máy giảm mạnh vào tháng 3 do nhu cầu vẫn yếu liên tục, tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách thực hiện nhiều bước hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giá hàng hóa thế giới:

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)