Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi Nga cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng và mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung suy giảm. Tuy nhiên, biên độ dao động của giá dầu là rất lớn, có thời điểm giá tăng vọt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/3 khẳng định nước này vẫn đang tuân thủ các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, thông qua việc tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt đồng thời nhấn mạnh Moskva sẽ bình tĩnh giải quyết các vấn đề. Phát biểu trong cuộc họp, ông Putin nói rằng Nga - nước sản xuất năng lượng lớn cung cấp 1/3 nguồn cung khí đốt châu Âu và 7% nguồn cung dầu toàn cầu - sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng về cung cấp năng lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,81 USD tương đương 1,6% xuống 109,33 USD/thùng, sau khi tăng 6,5% trong đầu phiên; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,68 USD tương đương 2,5% xuống 106,02 USD/thùng, trong phiên có lúc tăng hơn 5,7%. Trong phiên trước đó, giá dầu Brent đã giảm 13% sau khi đại sứ UAE tại Washington cho biết, sẽ khuyến khích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ xem xét tăng sản lượng.
Ngày 9/3, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tại Mỹ cho biết, nước này ủng hộ việc tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) xem xét nâng sản lượng thêm. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp năng lượng từ nhà xuất khẩu chủ chốt Nga bị gián đoạn khiến giá dầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Đầu tháng này, OPEC và các đối tác được gọi là OPEC+, đã quyết định sẽ tuân theo các kế hoạch tăng sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày vào tháng Tư, bất chấp giá dầu tăng.
Giá dầu và khí đốt tiếp tục diễn biến trái chiều. Giá khí tự nhiên tại Mỹ đảo chiều tăng 2% trong phiên vừa qua khi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt gần mức cao kỷ lục và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó. Theo đó, khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 10,5 US cent tương đương 2,3% lên 4,631 USD/mmBTU.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng duy trì quanh mức 2.000 USD, sau những biến động lớn trong vài phiên qua, chủ yếu do sức hút là nơi trú ẩn an toàn của kim loại quý này được hỗ trợ bởi cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine không đạt tiến triển.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.996,30 USD/ounce, sau khi giảm 3% phiên 9/3; vàng giao sau cũng tăng 0,6% lên 2.000,40 USD/ounce. Trước đó, việc giới đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn đã đẩy giá vàng hồi đầu tuần này lên gần mức kỷ lục đạt được vào tháng 8/2020.
Yếu tố chính tác động tới phiên này là thông tin các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine không đạt được tiến triển rõ ràng nào đối với một lệnh ngừng bắn. Diễn biến đó đã tác động lớn tới nhu cầu về những tài sản rủi ro hơn như chứng khoán, trong khi tăng sức hấp dẫn của các kênh trú ẩn an toàn như vàng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phản ứng với dữ liệu lạm phát tháng 2/2022 của Mỹ. Báo cáo mới nhất cho thấy con số lạm phát chính thức không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, nhưng cũng ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 1/1982 tới nay.
Nhà phân tích cấp cao của chuyên trang về kim loại quý Kitco Metals, Jim Wycoff, cho biết các số liệu lạm phát chắc chắn là một yếu tố cơ bản giúp vàng tăng giá. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị đang lấn át dữ liệu kinh tế. Chuyên gia này nhận định thị trường vàng đã cố gắng để đẩy giá lên mức cao kỷ lục hồi đầu tuần. Bây giờ, ngay cả dữ liệu lạm phát tăng ở mức kỷ lục cũng không mang lại nhiều lợi ích vì không có lực đẩy mạnh cho thị trường nữa.
Trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa tăng vọt, các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thông báo chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 16/3.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,7% lên 25,90 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tiến 0,1% lên 1.077,37 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng sau khi giảm phiên trước đó, do sự không chắc chắn về nguồn cung từ Nga đã làm gia tăng sự biến động giá.
Giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 3.424 USD/tấn, trước đó trong phiên tăng 6,5%.
Tính đến nay, giá nhôm đã tăng 20% sau căng thẳng Nga – Ukraine hôm 24/2/2022, tăng lên mức cao kỷ lục 4.075,5 USD/tấn hôm 7/3/2022, trước khi giảm xuống 3.300 USD/tấn hôm 9/3/2022. Nga cung cấp khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng tăng 1,2% lên 10.126 USD/tấn, kẽm giảm 3% xuống 3.822,50 USD, chì giảm 2% xuống 2.357 USD và thiếc giảm 0,6% xuống 43.955 USD.
Giá sắt thép phiên này cũng giảm. Theo đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 808 CNY/tấn, trước đó trong phiên giảm mạnh 8,8%. Giá thép cây giảm 1% xuống 4.896 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 5.107 CNY/tấn.
Đặc biệt, giá thép không gỉ tại Trung Quốc giảm 12%, sau khi Sở giao dịch Thượng Hải tạm ngừng giao dịch nickel, thúc đẩy kỳ vọng giá nguyên liệu thô sẽ giảm. Theo đó, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 giảm 12% xuống 19.700 CNY (3.116,84 USD)/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông màu đỏ giảm 9,5% khi các thương nhân cho biết đợt giá tăng do xung đột Nga vào Ukraine đã khiến lúa mì trở nên quá đắt đối với cho những người mua tiềm năng.
Jim Gerlach, chủ tịch công ty môi giới hàng hóa A/C Trading ở Indiana, cho biết: “Thị trường đang tạm dừng để lấy sức. "Nó (giá lúa mì) vượt quá giá trị hợp lý, vì vậy thị trường sẽ tạm nghỉ ở đây và xem xét nhu cầu thực sự đến đâu”. Giá lúa mì đã 54% kể từ khi cuộc chiến giữa hai nhà xuất khẩu chủ chốt trên toàn cầu bắt đầu. Việc bán tháo hôm thứ Năm là lớn nhất về tỷ lệ phần trăm đối với hợp đồng giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 5 năm 2008.
Giá ngô và đậu tương phiên vừa qua tăng, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu xuất khẩu đối với nguồn cung của Mỹ sẽ vẫn mạnh sau đợt hạn hán ở Nam Mỹ khiến mùa màng khô héo ở các đối thủ cạnh tranh là Brazil và Argentina.
Kết thúc phiên, giá giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1,14-1/2 USD xuống 10,87 USD/bushel. Tại châu Âu, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Euronext giảm 1% xuống 368,25 euro/tấn, sau khi tăng lên 390,25 euro/tấn trong đầu phiên giao dịch.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 22-3/4 US cent lên 7,55-3/4 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 14-1/2 US cent lên 16,86-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,8% lên 19,1 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 1,4 USD tương đương 0,3% lên 527,5 USD/tấn.
Giá cà phê phiên này giảm. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 5,1 US cent tương đương 2,2% xuống 2,242 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 24 USD tương đương 1,1% xuống 2.093 USD/tấn.
Ở Châu Á, giá cà phê thị trường nội địa Việt Nam tăng khi các nhà xuất khẩu tạm dừng xuất khẩu sang Nga, do các vấn đề về thanh toán và logistic liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 325 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2022 và không thay đổi so với cách đây 2 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, chịu ảnh hưởng bởi thị trường dầu thô bất ổn và lo ngại xung quanh vấn đề Nga – Ukraine, cùng với đó là lạm phát trong tháng 2/2022 tăng cao cũng gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka giảm 2 JPY tương đương 0,8% xuống 245,5 JPY (2,12 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 5 CNY xuống 14.045 CNY