Trên thị trường năng lượng, giá dầu sau một phiên giao dịch nhiều biến động đã kết thúc phiên ở mức gần ngang với giá đóng cửa một ngày trước đó, trong bối cảnh sản lượng dầu Mỹ tăng lên và việc Vương quốc Anh trì hoãn mở cửa trở lại do dịch COVID-19 đã tác động đến dự báo tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu và nguồn cung thắt chặt.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent biển Bắc tăng 17 US cent lên 72,86 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 là 73,64 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3 US cent xuống 70,88 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 71,78 USD/thùng.
Giá dầu Mỹ đã đi lên đều đặn kể từ đầu năm nay khi nhu cầu đi lại tăng trở lại. Trong khi đó, giá khí đốt trung bình ở Mỹ cũng đã tăng trong 8 tuần liên tiếp, đạt 3,07 USD/gallon trong phiên 14/6.
Thị trường dầu đã phản ứng trước dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về sản lượng dầu khí đá phiến, chiếm hơn 2/3 sản lượng dầu Mỹ, dự kiến sẽ tăng khoảng 38.000 thùng/ngày trong tháng 7/2021 lên 7,8 triệu thùng/ngày.
Theo ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của trang web theo dõi thị trường nhiên liệu GasBuddy cho biết thêm, nhu cầu xăng tăng mạnh khi các bang và thành phố mở cửa trở lại là yếu tố chính khiến giá xăng tăng. Trong khi đó, người phát ngôn của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) Jeanette McGee cho hay chi phí xăng xe của các tài xế đang tăng thêm trung bình 37% so với hồi đầu năm 2021.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 11/6 dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022, nhanh hơn so với dự báo trước đó. IEA kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. OPEC+ đã hạn chế sản lượng để hỗ trợ giá, đồng thời duy trì sự tuân thủ chặt chẽ các mục tiêu đã thống nhất trong tháng 5/2021, sau khi đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhu cầu dầu từ năm 2020.
Lưu lượng các phương tiện cơ giới đang trở lại mức trước đại dịch ở Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu, và nhiều máy bay đã “trở lại bầu trời” trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Tuy nhiên, vào cuối ngày 14/6, Anh đã trì hoãn kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các hạn chế áp dụng do dịch COVID-19 thêm một tháng, vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết việc các nhà máy lọc dầu tại Canada và Biển Bắc phần lớn đang trong tình trạng bảo dưỡng cũng đã giúp giá dầu thô tăng lên
Trong phiên này, giá bạc giảm 10,7 US cent, hay 0,38%, xuống 28,039 USD/ounce; bạch kim giao tháng 7 tăng 14,2 USD, hay 1,23%, lên 1.165,3 USD/ounce. 
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thu hẹp chính sách tiền tệ mở rộng tại cuộc họp sẽ diễn ra trong tuần này và do lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,7% xuống 1.863,98 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/5/2021 (1.848,49 USD/ounce) và vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York giảm 0,7% xuống 1.865,9 USD/ounce. 
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Fed sẽ có cuộc họp trong hai ngày 15-16/6. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những yếu tố khác có tác động đến diễn biến của giá vàng.
Một số nhà phân tích cho rằng đà giảm của giá vàng là tạm thời, khi các nhà đầu tư chốt lời sau sự đi lên gần đây của kim loại quý này. Triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn mạnh khi lạm phát tăng và khả năng các biện pháp kích thích tại Mỹ sẽ được tiếp tục do báo cáo việc làm vẫn yếu hơn dự kiến. Commerzbank dự kiến mối lo ngại về lạm phát sẽ đẩy giá vàng lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay, thêm vào đó là lạm phát có thể vẫn ở mức rất cao trong quý 3/2021 sẽ khiến Fed giảm mua trái phiếu trong quý 4/2021.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại Trung Quốc sẽ có hành động để hạn chế sự gia tăng giá kim loại công nghiệp.
Sở giao dịch kim loại Thượng Hải và các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch giải phóng dự trữ nhà nước về kim loại màu bao gồm đồng, nhôm và kẽm trong chương trình kéo dài đến cuối năm 2021.
Kết thúc phiên, giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 9.980 USD/tấn; so với thời điểm giá cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn trong tháng 5/2021 thì giá đồng hiện đã giảm gần 8%. Tuần trước, giá đồng dao động trong khoảng 9.800-10.000 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ giảm khoảng 4%, do hoạt động đẩy mạnh bán ra và dự báo thời tiết tại khu vực Trung tây Mỹ được cải thiện khi cây trồng đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Tại sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 28 US cent xuống 6,56-1/2 USD/bushel và giá ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 29 US cent xuống 5,8-3/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 36-1/2 US cent xuống 14,72 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 6 US cent xuống 6,74-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 tuần, do triển vọng cây trồng tại một số nước sản xuất chủ chốt được cải thiện.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,25 US cent tương đương 1,4% xuống 17,29 US cent/lb, sau khi giảm xuống 16,93 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 27/5/2021; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 2,8 USD tương đương 0,6% xuống 448,5 USD/tấn.
Công ty kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow dự báo, thặng dư đường toàn cầu sẽ đạt 1,5 triệu tấn năm 2021/22 và 2,7 triệu tấn năm 2020/21, được thúc đẩy bởi sản lượng tăng.
Giá cà phê Arabica giảm do mưa tại Brazil và điều kiện cây trồng cà phê tại Colombia được cải thiện. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE giảm 3,4 US cent tương đương 2,1% xuống 1,562 USD/lb, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất hơn 2 tuần (1,537 USD/lb); robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London giảm 23 USD tương đương 1,4% xuống 1.596 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ duy trì các biện pháp kích thích mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động công nghiệp của nước này.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY tương đương 0,4% lên 238,9 JPY/kg.
Giá hàng hóa thế giới sáng 15/6/2021
gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg