Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi Nga thông báo đã rút một số đơn vị quân đội trở về căn cứ sau đợt tập trận gần biên giới Ukraina – động thái giúp giảm tình trạng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 3,2 USD, hay 3,3%, xuống 93,28 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,39 USD, hay 3,6%, xuống 92,07 USD/thùng. Trong phiên liền trước, cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Giá dầu Brent tăng 50% trong năm 2021, trong khi dầu WTI tăng khoảng 60% do sự phục hồi nhu cầu toàn cầu sau giai đoạn đỉnh điểm bùng phát đại dịch Covid-19.
Diễn biến mới nhất giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến sự phản ứng thận trọng từ Ukraine và Anh sau nhiều ngày Mỹ và Anh cảnh báo rằng Moskva có thể hành động quân sự bất cứ lúc nào.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc, một thỏa thuận có thể cho phép Iran tăng cường xuất khẩu dầu.
Theo số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 15/2, các nguồn dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/2. Lượng xăng trong các kho dự trữ giảm 923.000 thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 546.000 thùng. Số liệu chính thức của Chính phủ Mỹ về lượng dầu tồn kho sẽ được công bố ngày 16/2.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm từ mức cao nhiều tháng, trong khi palladium cũng giảm hơn 5% sau thông tin Nga đã rút quân đội về căn cứ.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.855,06 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/6/2021 tại 1.879,48 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 0,7% xuống 1.856,2 USD/ounce.
Chứng khoán và các tài sản rủi ro khác đã phục hồi nhẹ sau đợt bán tháo trong mấy phiên vừa qua.
Căng thẳng Nga-Ukraine giảm nhiệt khiến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng giảm giá nhẹ. Trong khi đó, dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng đang đè nặng lên thị trường vàng bởi có thể dẫn đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh và mạnh. Dữ liệu cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 1.
Về những kim loại quý khác, giá palladium phiên này giảm 4,6% xuống 2.252,68 USD/ounce sau khi lo sợ gián đoạn nguồn cung bởi xung đột Nga – Ukraina đã đẩy giá lên mức cao nhất hai tuần trong phiên trước. Giá bạc giao ngay giảm 2% xuống 23,36 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,4% xuống 1.024,13 USD/oune.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 9.965 USD/tấn sau khi tăng 0,6% trong phiên trước đó. Đồng trên sàn Comex tăng 0,6% lên 4,54 USD/lb.
Nhu cầu mua đồng tại Trung Quốc dự kiến bắt đầu phục hồi trong vài tuần tới khi nền kinh tế trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, dự trữ đồng có thể ở mức thấp nhiều năm trong ngắn hạn.
Giá nhôm phiên này giảm 0,2% xuống 3.208 USD/tấn do lo ngại về căng thẳng ở Ukraina dịu lại. Mức cộng giá nhôm giao ngay so với giao sau 3 tháng tăng lên 51,25 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2018, cho thấy nguồn cung gần hạn đang khan hiếm.
Giá kẽm phiên này tăng 0,5% lên 3.592,50 USD/tấn, nickel tăng 0,4% lên 23.260 USD/tấn, chì tăng 0,6% lên 2.300,50 USD/tấn và thiếc tăng 0,5% lên 43.500 USD/tấn.
Dự báo thị trường kim loại trong ngắn hạn sẽ tiếp tục chịu tác động từ diễn biến xung quanh ấn đề Ukraina. Nếu loại bỏ các áp lực địa chính trị, xu hướng chung là tăng giá đối với hầu hết các kim loại. Dự kiến đích tiếp theo của giá đồng sẽ là 11.000 USD/tấn, nhôm là 3,500 USD/tấn và nickel là 30.000 USD/tấn.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt giảm mạnh do nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường này trong bối cảnh lo sợ Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát thị trường quặng sắt, sau khi Bắc Kinh cảnh báo họ sẽ hành động chống lại việc lan truyền những thông tin sai lệch giá.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 10%, xuống 699 nhân dân tệ (110,08 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 18/1. Đây là phiên giá giảm thứ 2 liên tiếp. Quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore phiên này cũng giảm 13,8% xuống 127,90 USD/tấn.
Các chiến lược gia hàng hóa của ANZ cho biết: “Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh Trung Quốc quyết tâm hạn chế tình trạng giá tăng do nạn đầu cơ”.
Thực vậy, việc bán tháo mạnh mẽ trên thị trường phản ánh nỗi lo sợ ngày càng tăng của các nhà đầu tư khi cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc sẽ cùng với cơ quan quản lý thị trường triệu tập các nhà giao dịch quặng sắt trong và ngoài nước tại một cuộc họp vào ngày 17 tháng 2 nhằm nỗ lực đảm bảo sự ổn định của thị trường, thông tin từ Reuters cho biết.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã nâng gấp đôi mức độ cảnh báo đối với các nhà cung cấp thông tin mà họ cho rằng đang “ngụy tạo” giá quặng sắt. Đây là nỗ lực phối hợp của các cơ quan, ban ngành Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường quặng sắt một cách bền vững, trong đó có thông báo sẽ tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao từ tháng 2 đến tháng 5/2022.
Được biết, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tuần vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng.
Quặng sắt nhập khẩu (hàm lượng 62% thép, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc) ngày 14/2 giảm xuống 149 USD/tấn, nhưng phiên liền trước đó giá đã đạt mức cao nhất 6 tháng, là 152,50 USD/tấn, dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt giảm kéo giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên vừa qua giảm 2,8% so với phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,7%, còn thép không gỉ vẫn đứng ngoài lề khi tăng 1,4%.
Tính từ giữa tháng 11 đến tuần vừa qua, giá quặng sắt đã tăng hơn 50%, đạt 150 USD/tấn, buộc các cơ quan quản lý phải thực hiện một số hành động khẩn cấp, bao gồm kiểm tra cảng, nâng phí giao dịch hợp đồng kỳ hạn và cảnh báo chống lại việc đưa ra những thông tin sai lệch.
Giám đốc điều hành của công ty khai thác lớn BHP, Mike Henry, cho rằng: “Giá quặng sắt sẽ còn biến động rất mạnh trong tương lai”, bởi những nỗ lực mà Chính phủ Trung Quốc đang làm cho thấy sự khó cân bằng của Bắc Kinh trong việc vừa muốn ổn định kinh tế - yếu tố thúc đẩy tiêu thụ thép, vừa muốn không làm ảnh hưởng đến lạm phát giá hàng hóa. Ông Henry cho rằng trong năm 2022, Bắc Kinh sẽ tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Dự báo thị trường quặng sắt trong ngắn hạn sẽ đối mặt với một số khó khăn trong năm nay, trong đó có việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu những nỗ lực kiềm chế giá nói trên có thể có tác động lâu dài hay không nếu thị trường hàng thực bị thắt chặt hơn nữa.
Giám đốc điều hành của Navigate Commodities, Atilla Widnell, cho biết: “Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những đợt giá lao dốc mạnh mẽ đều xảy ra sau những tuyên bố của Trung Quốc về việc điều tra, giám sát giá quặng sắt chỉ diễn ra tạm thời trong ngắn hạn”. Theo ông, nguồn cung từ Australia và Brazil giảm sút - cùng với sản lượng thép tăng - đã tạo ra một thị trường rất cân bằng.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì và ngô Mỹ đều giảm sau thông tin một số đơn vị quân đội của Nga rút về căn cứ, trong khi giá đậu tương giảm do khả năng mưa tại các khu vực trồng đang khô hạn ở Argentina và miền nam Brazil.
Trên sàn giao dịch Chicago, hợp đồng lúa mì kỳ hạn tương lai kết thúc phiên giảm 19-1/2 US cent xuống 7,79-3/4 USD/bushel; đậu tương CBOT giảm 18-3/4 US cent xuống 15,51-1/4 USD/bushel; trong khi ngô giảm 17-3/4 US cent xuống 6,38 USD/bushel, giảm 2,71%, ngày giảm mạnh nhất kể từ 23/7/2021.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên giảm 0,05 US cent, hay 0,3%, xuống 18,07 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 2,2 USD hay 0,5% xuống 480 USD/tấn.
Các đại lý cho nhận định giá sẽ duy trì trong phạm vi 17,77 tới 18,68 US cent/lb trong tháng này, với triển vọng có thể phụ thuộc vào mức độ sản xuất mía và đường tại khu vực trung nam Brazil phục hồi trong niên vụ 2022/23.
Kết quả một thăm dò của nhà môi giới Marex cho thấy các nhà phân tích và thương gia dự báo sản lượng mía trung bình tại khu vực trung nam Brazil là 554 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo trung bình 560 triệu tấn trong một thăm dò của Reuters từ tháng trước. Thăm dò của Marex cũng dự báo sản lượng đường của khu vực này đạt 33,81 triệu tấn, thấp hơn một chút so với dự báo 34,35 triệu tấn trong thăm dò của Reuters.
Tổ chức Unica của Brazil cho biết các nhà sản xuất ethanol của nước này đã bán nhiên liệu này ít hơn 32% so với cùng tháng một năm trước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 3,85 US cent hay 1,6% lên 2,5175 USD/lb, hướng tới mức đỉnh 10 năm tại 2,6045 USD đã đạt được trong tuần trước; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 22 USD hay 1% lên 2.265 USD/tấn.
Các đại lý cho biết tồn kho cà phê arabica giảm mạnh vẫn là một yếu tố hỗ trợ quan trọng.
Giá cao su tại Nhật Bản kết thúc chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp bởi giá giảm tại Thượng Hải và chứng khoán Châu Á suy yếu trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraina.
Cao su giao tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka giảm 3,4 JPY hay 1,3% xuống 254,2 JPY (2,2 USD)/kg sau 6 phiên tăng. Cao su đã chạm mức cao nhất 8,5 tháng trong phiên trước; cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải giảm 275 CNY xuống 14.355 CNY (2.260,17 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)