Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trở lại do nhà đầu tư lại hào hứng với các tài sản rủi ro, mặc dù vẫn thận trọng do virus biến thể Omicron ảnh hưởng đến các kế hoạch đi du lịch trong kỳ nghỉ, làm giảm nhu cầu nhiên liệu trong ngắn hạn.
Giá dầu Brent kết thúc phiên tăng 2,46 USD, tương đương 3,4% lên 37,98 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,51 USD, tương đương 3,7% lên 71,12 USD/thùng.
“Đây là một thị trường thực dụng, muốn tăng giá dù biết rằng các đợt phục hồi nhẹ nhàng sẽ không kéo dài”, và"Đà tăng giá có thể sẽ bị hạn chế, thậm chí những thông tin về các quy định mới của các nước để chống sự lây lan của virus Omicron sẽ được các nhà đầu tư chào đón bằng việc bán mạnh các hợp đồng trở lại”, nhà phân tích dầu tại công ty môi giới PVM Oil Associates, Tamas Varga cho biết.
Craig Erlam, nhà phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết các biện pháp hạn chế có thể chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng mũi tăng cường.
Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng trên khắp châu Âu, Mỹ và châu Á. Tại Nhật Bản, số ca mắc biến thể này được ghi nhận ở một đơn vị căn cứ quân sự đã lên tới ít nhất 180 ca.
Các quốc gia trên khắp châu Âu đang xem xét các biện pháp hạn chế di chuyển mới khi virus biến thể Omicron di chuyển nhanh chóng quét qua thế giới trước kỳ Giáng sinh, đẩy các kế hoạch du lịch và thị trường tài chính vào trạng thái hỗn loạn và khó khăn.
Tuy nhiên, công ty dược phẩm Mỹ Moderna Inc đã làm tăng hy vọng khi thông tin rằng kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy tăng cường một liều vắc xin Covid-19 của hãng có thể bảo vệ chống lại biến thể Omicron.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC +) trong tháng 11 vừa qua đã tăng tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng lên 117%, từ mức 116% của tháng 10, cho thấy sản lượng dầu của nhóm hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu trong kế hoạch.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau khi USD tăng và nhu cầu đối với tài sản rủi ro của các nhà đầu tư lại hồi sinh trong bối cảnh thị trường tiếp tục xem xét những rủi ro đối với kinh tế do biến thể Omicron gây ra.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,2% xuống 1.786,50 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2022 giảm 0,3% xuống 1.788,70 USD.
Chiến lược gia thị trường trưởng của công ty Blue Line Futures ở Chicago, Phillip Streible, cho biết: “Bạn có thể gặp rủi ro khi giao dịch vì chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại sau phiên lao dốc trước đó,” và đồng USD cũng đang phục hồi cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, tất cả đều gây áp lực lên giá vàng.
Tuy nhiên, ông Streible cho biết: "Mọi người đang tranh thủ mua vào bất cứ khi nào vàng giảm giá” vì họ lo lắng về những bất ổn, bao gồm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, và ngưỡng 1.800 USD vẫn là mốc quan trọng mà giá vàng đang bám giữ vào lúc này.
Han Tan, nhà phân tích thị trường trưởng thuộc Exinity cho biết: “Tuy nhiên, kim loại quý có thể lấy lại được đà tăng vào năm 2022 nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng trong khi lợi suất danh nghĩa vẫn bị kìm hãm”.
Tuy nhiên, Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA, cho biết "các nhà đầu tư vàng vẫn thiếu niềm tin, bằng chứng là sự thoái lui nhanh chóng gần đây sau khi giá vàng vượt lên trên 1.800 USD".
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay phiên này tăng 1,2% lên 22,50 USD/ounce, palladium tăng 2,6% lên 1.794,86 USD, trong khi bạch kim vững ở mức 932,00 USD. Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết palladium có thể được hưởng lợi từ kỳ vọng về nhu cầu ô tô bị dồn nén.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản tăng cùng với giá dầu và thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư lại tìm tới các tài sản rủi ro khi mà việc cân nhắc tác động của biến thể Omircon đã khiến thị trường lấy lại một chút lạc quan sau 2 ngày bán ra rộng rãi.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 1% lên 9.540 USD/tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức cao nhất của tháng trước là 9.920 USD và mức cao kỷ lục của tháng 5 là 10.747,50 USD.
Nhà phân tích độc lập Robin Bhar cho biết kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng này hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái, với lượng dự trữ thấp và triển vọng nhu cầu dài hạn tích cực có khả năng giữ giá cao.
Ông nói: “Với lượng hàng tồn kho thấp, bạn không thực sự có cơ hội để phòng trường hợp có bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung,” ý nói về sự gián đoạn sản xuất ở Peru và tác động tiềm tàng của một chính phủ mới ở Chile.
Lượng đồng lưu trữ tại các kho có đăng ký LME hiện ở mức 80.000 tấn, tăng so với mức thấp lịch sử 14.150 tấn của tháng 10 nhưng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục gần đây. Lượng đồng lưu kho trên sàn Thượng Hải hiện có 34.580 tấn, là mức thấp nhất kể từ năm 2009, còn tồn trữ tại các kho ngoại quan của Trung Quốc đã giảm mạnh. CU-STX-SGH, SMM-CUR-BON
Về những kim loại khác, giá nhôm tăng 3,5% lên 2.765,50 USD/tấn, kẽm tăng 2,3% lên 3,431,50 USD, nickel tăng 1,5% lên 19,635 USD và thiếc tăng 1,3% lên 38,695 USD, trong khi chì giảm
0,1% xuống 2.291,50 USD/tấn.
Giá quặng sắt đã tăng lên mức cao kỷ lục nhiều tuần, theo đó giá tham chiếu trên các sàn Đại Liên (Trung Quốc) và Singapore đều tăng phiên thứ 4 liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện ở nước sản xuất thép hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên tăng 2,6% so với phiên liền trước, đạt 702 nhân dân tệ (110,18 USD)/tấn, gần sát mức cao nhất kể từ 28/10 là 709 nhân dân tệ đạt được trong cùng phiên.
Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 3,3% lên 128,65 USD/tấn. Quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (loại quặng hàm lượng 62% sắt) giao ngay tại cảng biển nước này ngày 20/12 đạt 125 USD/tấn sau chuỗi tăng không nghỉ kể từ 15/12 để đạt mức cao nhất kể từ 13/10.
Trên thị trường nông sản, giá cũng đồng loạt tăng mạnh. Theo đó, giá ngô và đậu tương đạt mức cao nhất kể từ mùa hè do lo ngại về mùa màng ở Nam Mỹ.
Thời tiết ở khu vực Nam Mỹ lại trở thành trung tâm chú ý của thị trường khi sự khô hạn làm gia tăng lo ngại ảnh hưởng đến nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới này, từ đó có thể khiến nhu cầu trên thế giới chuyển sang đậu tương Mỹ.
Khô hạn tái diễn ở các khu vực trồng trọt của Nam Mỹ đã đẩy giá ngô Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 và đậu tương lên mức cao nhất trong tháng 8. Giá lúa mì phiên này cũng tăng.
Tomm Pfitzenmaier, nhà phân tích của Summit Commodity Brokerage ở Iowa, cho biết: “Đã đến lúc lo ngại về vụ mùa Nam Mỹ và điều đó sẽ trở thành một yếu tố lớn hơn khi chúng ta bước sang năm mới.
Giá ngô kỳ hạn tháng 3 trên sàn Chicago kết thúc phiên vừa qua tăng 7-1/4 cent lên 5,98-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/7 là 5,99 USD. Giá đậu tương giao tháng 1 cũng tăng hơn 15-3/4 cent lên 13,08 USD/bushel và đạt mức giá cao nhất kể từ ngày 30/8 đối với một hợp đồng giao sau 1 tháng. Lúa mì phiên này cũng tăng 21-1/4 cent lên 7,99 USD/bushel và đặt mức giá cao nhất kể từ ngày 8 tháng 12.
Khoảng một phần ba ngô và đậu tương đang phải đối mặt với căng thẳng về thời tiết ở miền nam Brazil, trong khi gần 10% số cây trồng ở Argentina cũng trong tình trạng này, Commodity Weather Group cho biết. Joel Karlin, nhà phân tích thị trường của Western Milling, cho biết độ ẩm ở miền nam Brazil hoặc Argentina trong 10 ngày tới sẽ ở mức thấp. Ông nói: “Tình trạng khô cằn sẽ kéo dài với quá trình tích nhiệt”.
Giá dầu thô phục hồi cũng góp phần đẩy giá nông sản tăng lên, bởi ngô cũng là nguyên liệu sản xuất ethanol.
Giá đường và cà phê đều tăng trở lại trong phiên vừa qua sau phiên bán tháo trước đó.
Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,15 US cent, tương đương 0,8%, lên 18,74 cent/lb. Hợp đồng này trong phiên liền trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/12, là 18,52 cent; đường trắng giao tháng 3 phiên này cũng tăng 4,30 USD hay 0,9% lên 492,10 USD/tấn.
Các quỹ đã thu hẹp lại các vị thế mua trong vài ngày qua và khẩu vị rủi ro sẽ phải được khôi phục để thị trường phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của đường vẫn hỗ trợ xu hướng giá tăng với nhiều người dự đoán thị trường vụ 2021/22 sẽ thiếu hụt chút ít. Dự báo giá đường sẽ dao động trong phạm vi hẹp, khoảng 18,50 đến 20,50 US cent trong thời gian tới.
Giá cà phê arabica giao tháng 3 kết thúc phiên cũng tăng 4,15 cent, tương đương 1,9%, lên 2,2825 USD/lb, lấy lại một số mặt phần những gì đã mất sau khi giảm mạnh 4,5% trong phiên liền trước; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn cũng tăng 9 USD, tương đương 0,4% lên 2.317 USD/tấn.
Các đại lý cho biết mưa ở vành đai cà phê của Brazil đang hỗ trợ trái cà phê phát triển và cải thiện triển vọng cho vụ mùa năm tới của quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam cũng đã có những cơn mưa rào nhưng điều đó cản trở quy trình thu hoạch và sấy khô hạt cà phê của quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới.
Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư tích cực săn giá hời sau khi giá giảm ở mấy phiên liền trước, mặc dù lo ngại về việc nhiều nước gia tăng hạn chế chống virus biến thể Omicron kiềm chế giá tăng mạnh ở phiên này.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Osaka tăng 1 JPY, tương đương 0,4%, lên 227,7 JPY (2 USD)/kg, sau khi giảm 3% trong phiên liền trước. Hoạt động giao dịch diễn ra thưa thớt vì nhiều thương nhân nước ngoài đã đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su phiên này vẫn giảm 135 CNY xuống 14.270 CNY (2.240 USD)/tấn. Trong khi đó, trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn tháng 1 tăng 0,2% lên 167,4 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg