Fed cho biết họ có thể nâng lãi suất trong tháng 3 và có kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng đó để kiềm chế lạm phát. Đồng USD tăng sau thông báo này, khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. Trong ngày 27/1 chỉ số USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên toàn thế giới sau khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 62 US cent xuống 89,34 USD/thùng, dầu WTI giảm 74 US cent xuống 86,61 USD/thùng trong một phiên giao dịch biến động.
Bất hòa giữa Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và các nước Phương Tây - về vấn đề Ukraina làm dấy lên lo sợ rằng nguồn cung năng lượng sang Châu Âu có thể bị gián đoạn, mặc dù mối lo về thị trường khí đốt lớn hơn nỗi lo về dầu thô. Nga cho rằng Mỹ không sẵn sàng giải quyết những lo ngại an ninh chính của Moscow về Ukraina, mặc dù vẫn để ngỏ cửa đối thoại.
Các mối đe dọa đối với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ phong trào Houthi của Yemen cũng làm gia tăng lo ngại trên thị trường dầu mỏ.
Thị trường đang dần chuyển hướng tập trung sự chú ý tới cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tổ chức vào ngày 2/2 tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai tuần do USD tăng sau khi số liệu kinh tế của Mỹ mạnh mẽ củng cố khả năng Cục dự trữ liên bang sẽ tăng lãi suất vào tháng 3.
Kết thúc phiên này, giá vàng giảm 1,3% xuống 1.794,3 USD/ounce, sau khi xuống mức 1.790,2 USD/ounce; vàng giao sau giảm 2% xuống 1.793,1 USD/ounce. Vàng đã giảm hơn 3% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần vào ngày 25/1, do căng thẳng Nga – Ukraine.
Chỉ số USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020 khiến vàng càng chịu sức ép giảm giá.
Philip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định đà giảm của giá vàng trong phiên này tiếp nối đợt bán tháo hôm 26/1, khi các thị trường tiếp nhận phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về nâng lãi suất.
Kinh tế Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong quý IV/2021, khi việc bổ sung hàng dự trữ của các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ giúp quốc gia này năm vừa rồi đạt hiệu suất kinh tế tốt nhất trong gần bốn thập kỷ. Báo cáo mới nhất công bố ngày 27/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này vượt khá xa mức tăng trưởng 2,3% trong quý III/2021, cũng như kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành là 5,5%.
Ảnh hưởng tiêu cực hơn đến sức hút trú ẩn an toàn của vàng đối với người mua nước ngoài đó là việc đồng USD đã tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy giá vàng sẽ giảm trong năm 2022 và năm 2023, khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất, làm tăng lợi suất trái phiếu và làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 3,3%, xuống 22,71 USD/ounce; giá bạch kim mất 0,9%, xuống 1.022,15 USD/ounce; trong khi giá palladium tăng phiên thứ tám liên tiếp, ghi thêm 1,9%, lên 2.372,20 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do Cục dự trữ liên bang Mỹ cho thấy họ có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với dự kiến trước đây.
Kết thúc phiên này, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,4% xuống 9.770 USD/tấn, kết thúc chuỗi tăng trong hai phiên. Hạn chế đà giảm là mức tồn kho thấp của kim loại này trong các kho của LME.
Công ty khai thác mỏ Anglo American cho biết sản lượng tổng thể của họ trong quý 4/2021 là ổn định, dự kiến sản lượng sẽ tăng trong năm nay.
Thượng viện Chile đã thông qua được một biên bản sửa đổi của dự luật tiền bản quyền khai thác của nước này, theo đó sẽ tăng thuế với các công ty hoạt động tại quốc gia sản xuất đồng hàng đầu thế giới này.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 0,2% lên 3.101 USD/tấn, kẽm tăng 0,8% lên 3.640 USD/tấn, chì giảm 0,5% xuống 2.311 USD/tấn, thiếc tăng 0,9% lên 41.850 USD/tấn, trong khi nickel giảm 1,3% xuống 22.405 USD/tấn.
Về kim loại đen, giá quặng sắt Đại Liên tăng do hy vọng nhu cầu mạnh tại Trung quốc khi việc hạn chế sản xuất thép dịu đi sau Thế vận hội Olympics Bắc Kinh trong tháng tới.
Khả năng nguồn cung khan hiếm cũng là một yếu tố tăng giá với quặng sắt ngay cả khi một số nhà đầu tư đứng ngoài lề trước đợt nghỉ Tết Nguyên Đán trong tuần tới.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã tăng khoảng 2% lên 781 CNY (123,07 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/10/2021, khi đóng cửa chỉ tăng 0,5% lên 769 CNY/tấn; quặng sắt giao tháng 3 tại Singapore tăng khoảng 1% lên 139,05 USD/tấn. Giá quặng sắt giao ngay vào Trung Quốc cũng phục hồi, với loại hàm lượng 62% Fe tăng lên 139 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/9/2021, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Trong khi đó, giá thép thanh tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,3% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,2%. Thép không gỉ giảm 0,4%.
Nhu cầu quặng sắt dự kiến phục hồi khi các thương nhân trở lại sau ngày nghỉ và sau Thế vận hội Olympics mùa đông khi các nhà máy thép có thể bổ sung hàng lưu kho.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng do lo ngại về sản lượng thu hoạch của Nam Mỹ. Giá lúa mì giảm phiên thứ hai liên tiếp do USD tăng và lo sợ Nga tấn công Ukraina giảm nhẹ, trong khi giá ngô biến động theo cả hai chiều trong phiên giao dịch nhưng đóng cửa giảm.
Theo đó, giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 8-1/4 US cent lên 14,48-1/4 USD/bushel sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/6. Ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 1-3/4 US cent xuống 6,25-1/4 USD/bushel. Lúa mì kỳ hạn tháng 3 giảm 18 US cent xuống 7,77 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,08 US cent hay 0,4% xuống 18,41 US cent/lb, kéo dài 3 ngày sụt giảm liên tiếp; đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,1 USD xuống 499,7 USD/tấn.
Sản lượng đường của Ấn Độ trong năm thị trường 2021/22 có thể tăng 3% so với năm trước đó lên 31,9 triệu tấn do sản lượng tăng tại bang miền tây Maharashatra.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký một lệnh hành pháp cho phép nước này trả đũa đơn phương trong các tranh chấp thương mại nếu các cuộc điều trần tại Tổ chức Thương mại Thế giới bị đình trệ. Động thái này khiến Brazil đơn phương trả đũa Ấn Độ trong các tranh chấp thương mại liên quan đến đường.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 17 USD hay 0,8% xuống 2.174 USD/tấn, trước đó đã giảm xuống 2.167 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2021. Chênh lệch giá giữa hợp đồng robusta kỳ hạn tháng 3 với kỳ hạn tháng 5 trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2021 do lo lắng về nguồn cung giảm dần.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 6,85 US cent hay 2,9% xuống 2,3205 USD/lb.

Giá cao su Nhật Bản giảm do các nhà đầu tư chốt lời trước đợt nghỉ Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc, trong khi những lo ngại rằng việc tăng lãi suất của Mỹ có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng gây sức ép cho cao su.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,5 JPY hay 1% xuống 236,5 JPY (2,1 USD)/kg; cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 5 giảm 270 CNY đóng cửa tại 14.105 CNY (2.220 USD)/tấn.
Các thị trường ở Trung Quốc đại lục sẽ đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán một tuần bắt đầu từ ngày 31/1.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)