Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giảm, kết thúc 5 phiên liên tiếp do các nhà đầu tư chốt lời.
Cụ thể, dầu Brent đóng cửa ở mức giảm 44 cent, tương đương 0,6% xuống 79,09 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, là 80,75 USD/thùng. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 16 US cent, tương đương 0,2% xuống 75,29 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt 76,67 USD, cao nhất kể từ tháng Bảy. So với phiên liền trước, giá dầu Brent giảm 1,65%, trong khi dầu WTI giảm 37%, kết thúc chuỗi 5 phiên liên tiếp.
Nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng và các nhà giao dịch kỳ vọng các quốc gia sản xuất dầu lớn sẽ quyết định duy trì việc thắt chặt nguồn cung khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) họp vào tuần tới.
Thị trường cũng phải đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Ngân hàng đầu tư Barclays cho biết: “Việc phân bổ năng lượng gần đây cho các ngành công nghiệp ở Trung Quốc để giảm lượng khí thải có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, có khả năng khiến nước này phải tăng sử dụng dầu diesel trong sản xuất điện”.
Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, cho biết một số nhà đầu tư lo ngại rằng bong bóng nhà ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này và đến cả nhu cầu dầu mỏ. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
OPEC vừa đưa ra dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng mạnh trong vài năm tới khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời cho biết thêm rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn khủng hoảng ngay cả khi chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch hơn.
Sản xuất dầu của Mỹ đã bị sụt giảm do cơn bão Ida và Nicholas quét qua Vịnh Mexico của nước này vào tháng 8 và tháng 9/2021, làm hư hại các giàn khoan, đường ống và các trung tâm chế biến dầu.
Một số thành viên của nhóm các nhà sản xuất OPEC +, bao gồm đồng minh OPEC là Nga và một số quốc gia khác, đã cắt giảm sản lượng trong thời gian xảy ra đại dịch và đang gặp khó khăn trong việc tăng cường sản xuất trở lại để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi. Nigeria và Angola chật vật mà không đáp ứng được lộ trình nâng hạn ngạch sản xuất dầu theo thỏa thuận của OPEC+.
Giá than trên thị trường Trung Quốc tăng hơn 4% trong phiên vừa qua do nguồn cung b ị thắt chặt trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về tỷ lệ khí phát thải.
Gía than luyện kim trên sàn Đại Liên phiên này có lúc tăng 5,4% lên 3.000 CNY (463,95 USD)/tấn, kết thúc phiên vẫn tăng 5,1% lên 2.992 CNY/tấn. Giá than nhiệt giao sau trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu còn tăng mạnh hơn, có lúc tăng 8%, kết thúc phiên vẫn twang 7% so với đóng cửa phiên trước, lên 1.329 CNY/tấn. Giá than cốc trên sàn Đại Liên tăng 6,5% lên 3.410 CNY/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.736,81 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/ 8 là 1.726,19 USD/ounce trước đó cùng phiên; vàng kỳ hạn cũng giảm 0,8% xuống mức 1.737,5 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng trở lại trên 1,5% lên mức cao nhất trong hơn ba tháng, với việc các thị trường bắt đầu định giá vào khả năng lạm phát tại Mỹ cao hơn trong tương lai.
Chỉ số USD tăng 0,4% trong phiên này và khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các biến động của lợi suất trái phiếu, vì lợi suất cao hơn giúp đồng USD đi lên và làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi.
Các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết, việc đồng USD tiếp tục tăng giá trong những ngày qua đang gây thêm áp lực lên giá vàng. Những người tham gia thị trường dường như mong đợi Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến trước đó.
Dù vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 28/9 cho hay nền kinh tế Mỹ vẫn còn lâu mới đạt được toàn dụng lao động, một yếu tố quan trọng trong các yêu cầu của ngân hàng trung ương về việc tăng lãi suất.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư TD Securities, cho biết báo cáo hướng dẫn về triển vọng lãi suất do các thành viên Fed thiết lập báo hiệu lãi suất có thể tăng sớm hơn so với dự kiến trước đây. Ngoài ra, việc đường cong lợi suất dịch chuyển theo hướng cao hơn tiếp tục có tác động tiêu cực đến vàng.
về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,8% xuống 22,47 USD/ounce, giá bạch kim để mất 1,8% xuống 963,27 USD/ounce, trong khi palladium giảm 4,3% xuống 1.879,35 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do USD mạnh lên và lo ngại về tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên 28/9, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,1% xuống 9.260 USD/tấn, sau khi tăng 0,3% ở phiên liền trước.
Giá đồng đã giảm khỏi mức cao kỷ lục 10.747,50 USD chạm vào tháng 5, nhưng vẫn tăng 20% tính từ đầu năm đến nay.
Giá nickel phiên này cũng giảm 2,1% xuống 18.545 USD/tấn sau khi giảm hơn 2% ở phiên liền trước. Công ty môi giới Huatai Futures cho biết: “Chính sách cắt giảm điện (ở Trung Quốc) ảnh hưởng đến tiêu thụ nickel ở hạ nguồn”.
Thâm hụt thị trường kẽm toàn cầu thu hẹp xuống 6.600 tấn trong tháng 7 từ mức 40.000 tấn của tháng 6, trong khi thặng dư trên thị trường chì toàn cầu giảm xuống 11.700 tấn từ mức 13.400 tấn trong cùng kỳ.
Giá thiếc phiên này tăng 1,9% lên 35.780 USD/tấn, trong khi nhôm tăng 1,7% lên 2.931,50 USD, kẽm tăng 0,2% lên 3.072,50 USD, và chì tăng 0,3% lên 2.168,50 USD.
Giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 2,4% lên 5.634 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 5.671 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ giảm 1,0% xuống 20.520 CNY/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, phiên vừa qua giảm 2,9% xuống 678 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá Mỹ giảm hơn 1% trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và giá dầu thô giảm, trong bối cảnh thu hoạch ngô ở vành đai trồng ngô Trung Tây nước Mỹ đúng tiến độ. Giá đậu tương và lúa mì cũng giảm.
Kết thúc phiên, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago giảm 7 US cent xuống 5,32-1/2 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 5,41-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 31 tháng 8. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 phiên này cũng giảm 10-1/2 cent xuống 12,77 USD/tấn, trong khi lúa mì giao tháng 12 giảm 15-3/4 xuống 7,06-1/2 USD/tấn.
Giá đường thô hồi phục từ mức thấp nhất 2 tháng sau khi Citi dự đoán sản lượng ở Brazil sẽ sụt giảm.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 10, đáo hạn trong ngày 30/9, tăng 0,25 cent, tương đương 1,3% lúc kết thúc phiên, lên 18,98 cent/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8 là 18,49. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12 phiên này cũng tăng 7,40 USD, tương đương 1,5%, lên 509,80 USD/tấn. Citi dự báo vụ mùa đường 2021/22 của Brazil có thể thiếu hụt khoảng 3,7 triệu tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 4,95 cent, tương đương 2,6%, lên 1,986 USD/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, trong phiên có lúc giá đạt mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8 là 2,0035 USD; cà phê robusta giao tháng 11 cũng tăng 39 USD, tương đương 1,8% lên 2.160 USD/tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 3 tuần sau khi Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch giảm bớt những biện pháp chống Covid-19, giúp nhà đầu tư gia tăng hy vọng vào sự hồi phục kinh tế. Giá dầu tăng và giá cao su tại Thượng Hải tăng cũng giúp gia tăng nhu cầu đối với những tài sản rủi ro cao.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka tăng 2,2 yên lên 208,9 yên/kg, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 9 là 210,6 yên; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 325 CNY lên 13.840 CNY/tấn; kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore tăng 1,2% lên 165,1 US cent/kg.