Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh sau khi số liệu của chính phủ cho thấy rằng, tồn trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ trong tuần trước giảm, làm lu mờ lo ngại các trường hợp nhiễm virus corona tăng có thể khiến nhu cầu dầu thô giảm.
Kết thúc phiên 29/12, dầu thô Brent tăng 29 US cent lên 79,23 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 58 US cent lên 76,56 USD/thùng. Đầu phiên giao dịch, cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất 1 tháng, sau số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu giảm.
Theo số liệu được công bố ngày 29/12 của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 420 triệu thùng. Trong khi đó, lượng xăng dự trữ giảm 1,5 triệu thùng xuống 222,66 triệu thùng, còn lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1,7 triệu thùng xuống 122,43 triệu thùng.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi Ecuador, Libya và Nigeria đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong tháng này khi phải dừng khai khác một phần sản lượng dầu của họ vì các vấn đề về bảo trì và các mỏ dầu đóng cửa.
Giới đầu tư đang đón đợi cuộc họp sắp tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ diễn ra vào ngày 4/1. Tại cuộc họp lần này, OPEC+ sẽ quyết định có tiếp tục tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng Hai hay không. Tại cuộc họp trước đó, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng cho tháng Một, bất chấp những bất ổn liên quan đến biến thể Omicron.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng vững do USD yếu đi mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và nhu cầu tài sản rủi ro tăng.
Theo đó, giá vàng giao ngay vững ở 1.804,56 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2022 giảm 0,3% xuống 1.805,8 USD/ounce. Đầu phiên này, có lúc giá vàng giảm gần 1% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 29/11/2021, trong khi chứng khoán phố Wall tăng.
Peter Mooses, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính RJO Futures (Mỹ), cho biết: “Nhu cầu đối với các kênh đầu tư rủi ro có thể mạnh hơn một chút trong phiên này. Ông nói thêm rằng, sự điều chỉnh có thể không phải dài hạn và chỉ diễn ra trong vài ngày giữa bối cảnh sự không chắc chắn liên quan đến việc số ca nhiễm biến thể mới Omicron gia tăng.
Ông Moose cho rằng, giá vàng có khả năng dao động quanh mốc 1.800 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022, và biên độ giá sẽ dao động rộng hơn nếu tin tức về biến thể Omicron xấu đi.
Số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở Mỹ trung bình đạt mức cao kỷ lục 258.312 ca/ngày trong bảy ngày qua.
Nhà phân tích Warren Venketas của chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ) nói: "Với dư địa để lạm phát tiếp tục tăng liên tục do áp lực mua sắm trong lễ hội và dây chuyền cung ứng bị thắt chặt, giá vàng giao ngay có thể tăng cao hơn trước khi xu hướng diều hâu từ hầu hết các ngân hàng trung ương lớn tác động tiêu cực lên kim loại quý này trong năm tới".
Một số nhà đầu tư coi vàng như một hàng rào chống lại lạm phát, song lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn đã làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Giá vàng đang trên đà chứng kiến mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015, khi mà tính từ đầu năm tới nay, giá kim loại quý này đã giảm gần 5%.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8%, xuống 22,8 USD/ounce. Giá bạch kim mất 0,7%, xuống 968,95 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium lùi 0,6%, xuống 1.977,60 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tại London tăng lên mức cao nhất 1 tháng, do hoạt động đẩy mạnh mua vào. Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 9.683 USD/tấn. Trong đầu phiên giao dịch, giá đồng đạt 9.706 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 26/11/2021. Trong khi đó, giá đồng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 70.200 CNY (11.017,47 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng trong phiên trước đó.
Giá nickel trên sàn London tăng 2,1% lên mức cao nhất 1 tháng (20.460 USD/tấn).
Giá sắt thép tại Trung Quốc giảm do nhu cầu thấp và triển vọng sản lượng trong tháng tới hồi phục.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 0,3% xuống 4.315 CNY (677,22 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 4.456 CNY/tấn và giá thép không gỉ tăng 0,5% lên 16.890 CNY/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,9% xuống 663 CNY/tấn, giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 3,5 USD xuống 123 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Một quan chức thuộc Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc cho biết, sản lượng thép của nước này dự kiến sẽ đạt 1,03 tỉ tấn trong năm 2021, giảm so với mức cao kỷ lục 1,065 tỉ tấn năm ngoái.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Chicago tăng do lo ngại thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng tại nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil, đẩy giá lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2021.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 3/4 US cent lên 13,68-3/4 USD/bushel, giá lúa mì tăng 4-1/4 US cent lên 7,87-3/4 USD/bushel và giá ngô tăng 3/4 US cent lên 6,05-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,14 US cent tương đương 0,7% lên 19,1 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 2,9 USD tương đương 0,6% lên 501,1 USD/tấn.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 21 USD tương đương 0,9% lên 2.364 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá cà phê đạt 2.370 USD/tấn – không xa so với mức cao đỉnh điểm 10 năm (2.381 USD/tấn) trong tuần trước đó; arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 3,3 US cent tương đương 1,5% lên 2,289 USD/lb.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2021 được dự kiến sẽ giảm 2,7% xuống 1,5 triệu tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi giá cao su tại Thượng Hải tăng do lo ngại nguồn cung. Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Osaka tăng 2,2 JPY (0,0191 USD) lên 236,2 JPY/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 170 CNY(26,68 USD) lên 14.820 CNY/tấn, do tồn trữ tại Thanh Đảo giảm và các trường hợp nhiễm Covid-19 tại tỉnh sản xuất chủ yếu – Vân Nam – tăng.