Trên thị trường năng lượng, giá dầu hồi phục, lấy lại một phần những gì đã mất ở các phiên trước. Theo đó, dầu ngọt nhẹ giao tháng Chín tăng 94 US cent, hay 1,4%, lên 69,09 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 tăng 91 US cent, hay 1,3%, lên 71,29 USD/thùng. Trong phiên, giá cả hai loại dầu đều có lúc giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất 2 tuần.
Tuy nhiên, giá dầu tăng bị hạn chế khi mối lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu hồi phục gia tăng trong bối cảnh các trường hợp nhiễm virus corona tăng. Nhật Bản mở rộng các hạn chế khẩn cấp đối với nhiều tỉnh hơn, trong khi Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới – áp đặt các hạn chế tại một số thành phố và hủy bỏ các chuyến bay, đe dọa nhu cầu nhiên liệu.
Tuần này, giá dầu chịu sức ép do những lo ngại về nhu cầu. Trong phiên 4/8, giá dầu WTI và giá dầu Brent giảm tương ứng 3,4% và 2,8%, là phiên giảm thứ ba.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7. Các nhà phân tích tham gia khảo sát của S&P Global Platts đã ước tính EIA sẽ công bố dự trữ dầu giảm 4 triệu thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau khi những bình luận của một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) củng cố đồn đoán cơ quan này sẽ sớm cắt giảm chương trình mua tài sản.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.804,46 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao sau giảm 0,3% xuống đóng cửa ở mức 1.808,90 USD/ounce.
Trong phiên 4/8, giá vàng đi lên khi công ty cung cấp dịch vụ việc làm ADP (Mỹ) báo cáo số liệu về thị trường việc làm thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, sang phiên 5/8, giá vàng đã đánh mất đà tăng sau khi Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida có hàm ý rằng ngân hàng này có thể bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay.
Chiến lược gia Daniel Ghali tại công ty môi giới đầu tư TD Securities, có trụ sở tại Canada, nhận định giá vàng dễ chịu tác động từ "các chất xúc tác" làm giảm giá và một báo cáo khả quan về thị trường lao động sẽ gây thêm sức ép đối với kim loại quý này.
Theo kế hoạch, ngày 6/8 (theo giờ địa phương), Mỹ sẽ công bố báo cáo về thị trường việc làm phi nông nghiệp trong tháng Bảy. Số liệu này có thể định hình triển vọng chính sách của Fed. Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ tạo thêm 870.000 việc làm trong tháng trước.
Theo nhà phân tích Craig Erlam của sàn giao dịch OANDA, có trụ sở tại Mỹ, những bình luận gần đây của nhiều quan chức Fed cho thấy cán cân quyền lực đang nghiêng về phe ủng hộ thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 1,5% xuống 1.010,08 USD/ounce trong khi giá palladium tăng 0,2% lên 2.650,61 USD/ounce.
Các nhà sản xuất ô tô lớn mới đây cho biết tình trạng thiếu chip gây cản trở cho hoạt động sản xuất ô tô có thể kéo dài lâu hơn. Theo các chuyên gia, vấn đề này có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ bạch kim và palladium được sử dụng để hạn chế lượng khí thải của các phương tiện.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng nhẹ, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp do lo ngại triển vọng nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,3% lên 9.492,5 USD/tấn. Giá đồng đã giảm từ mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn) trong tháng 5/2021, song kể từ đầu năm đến nay vẫn tăng hơn 20%.
Các nhà phân tích thuộc Capital Economics cho biết, giá kim loại công nghiệp sẽ giảm trong năm 2021 và 2022 với giá đồng ở mức trung bình 7.500 USD/tấn trong quý 4/2022.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm gần 5% xuống mức thấp nhất gần 4 tháng, do tiêu thụ nội địa suy giảm trước các biện pháp kiểm soát sản lượng thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 4,8% xuống 1.007 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 12/4/2021, trong phiên có lúc giảm 5,6% xuống 999 CNY (154,54 USD)/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 185,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 0,3% lên 5.373 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 5.733 CNY/tấn, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 0,8% xuống 18.785 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương tại Chicago tăng do doanh số xuất khẩu tăng, song mức tăng bị hạn chế bởi mưa lớn tại một số khu vực Trung tây Mỹ. Giá ngô Mỹ trên sàn Chicago tăng 6-1/4 US cent lên 5,53 USD/bushel. Giá đậu tương tăng 2-3/4 US cent lên 13,28-1/2 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giảm 4-1/2 US cent xuống 7,12-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô tăng gần 4%, do thời tiết sương giá ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mía đường tại nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới – Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,69 US cent tương đương 3,8% lên 18,62 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London tăng 14,5 USD tương đương 3,2% lên 461,8 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 1,25 US cent tương đương 0,7% lên 1,769 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 6 USD tương đương 0,3% xuống 1.764 USD/tấn.
Hoạt động giao dịch tại các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu châu Á trong tuần này chậm lại. Thị trường cà phê Việt Nam đối mặt với nhu cầu giảm do thiếu container, trong khi cuộc khủng hoảng virus corona tại Indonesia ngày càng trở nên trầm trọng đã cản trở hoạt động giao dịch.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 200 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London so với mức trừ lùi 230 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021 trong 1 tuần trước đó. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 35.900-37.200 VND (1,56-1,62 USD)/kg, giảm so với mức giá 36.900-38.000 VND/kg cách đây 1 tuần.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 100 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021, không thay đổi so với cách đây 1 tuần, trong bối cảnh giao dịch trầm lắng khi cả người bán và nhà xuất khẩu đều dõi theo tác động của đợt bùng phát virus corona.
Giá hàng hóa thế giới
tong ket gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg