Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong phiên 3/8 do lo ngại về số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ngày càng tăng, xóa đi tác động từ thông tin dự báo lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ tiếp tục giảm.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 48 US cent (0,66%) xuống 72,41 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 70 US cent (0,98%) xuống 70,56 USD/thùng.
Những lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc và Mỹ, những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã tác động lên giá, khiến giá hai hợp đồng dầu chủ chốt này có thời điểm giảm hơn 3% giá trị. Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, đồn đoán về sự trở lại của Iran trên thị trường năng lượng cũng gây sức ép cho giá dầu. Iran và sáu cường quốc đã đàm phán kể từ tháng 4/2021 nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà có thể “giải phóng” xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, các quan chức cho biết vẫn còn những khoảng trống đáng kể.
Tân Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, ngày 3/8 cho biết chính quyền mới sẽ thực hiện các bước để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của nước này.
Một khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ có thể giảm trong tuần trước, trong đó dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất dự kiến sẽ giảm trong tuần thứ ba liên tiếp. Viện Xăng Dầu Mỹ (API) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 879.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, trong đó có dầu diesel đã giảm khoảng 717.000 thùng, còn dự trữ xăng giảm khoảng 5,8 triệu thùng trong cùng thời gian trên.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do chứng khoán Mỹ tăng điểm. Theo đó, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.809,79 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,4% xuống 1.814,1 USD/ounce.
Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các tài sản rủi ro như chứng khoán, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Ngoài ra, giá còn chịu sức ép khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng của các nhà máy tại nước này vượt dự báo, tăng 1,5% trong tháng Sáu, sau khi tăng 2,3% trong tháng Năm. Hiện các nhà đầu tư chờ đợi số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2021. Dự kiến, số việc làm sẽ tăng 880.000 sau khi tăng 850.000 trong tháng 6/2021.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,7 US cent, hay 0,03%, chốt phiên ở mức 25,582 USD/ounce; bạch kim giao tháng 10/2021 giảm 9,4 USD, hay 0,89%, xuống 1.046,9 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại biến thể Covid-19 lây lan mạnh có thể thúc đẩy việc đóng cửa hơn nữa và hạn chế nhu cầu kim loại công nghiệp.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,5% xuống 9.557,5 USD/tấn. Giá đồng giảm từ mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn trong tháng 5/2021, song tính từ đầu năm đến nay giá đồng vẫn tăng 24%; đồng kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1,6% xuống 70.450 CNY (10.896,13 USD)/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 3% sau 5 phiên giảm liên tiếp, được thúc đẩy bởi những đồn đoán về việc nới lỏng kiểm soát sản lượng thép. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 2% lên 1.063 CNY (164,41 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính đến nay giá quặng sắt giảm gần 9% kể từ ngày 27/7/2021. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 0,5 USD lên 185,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Ngoài ra, giá quặng sắt tăng được hỗ trợ bởi xuất khẩu quặng sắt hàng tuần từ Australia và Brazil tính đến ngày 1/8/2021 giảm xuống 24,7 triệu tấn, giảm 147.000 tấn so với tuần trước đó.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 4,6% xuống 5.247 CNY (811,51 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 6/7/2021. Giá thép cuộn cán nóng giảm 4,9% xuống 5.608 CNY/tấn, giá thép không gỉ giảm 4,5% xuống 18.715 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Chicago giảm, sau báo cáo về điều kiện phát triển của cây trồng cho thấy tốt hơn so với dự báo trước đó, cùng với dự báo thời tiết mưa ở khắp khu vực Trung tây Mỹ, thúc đẩy năng suất cây trồng đậu tương.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 33-3/4 US cent xuống 13,19-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc giảm xuống 13,08-3/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 6/7/2021. Giá lúa mì giảm 5 US cent xuống 7,24-1/2 USD/bushel và giá ngô giảm 7-1/2 US cent xuống 5,51-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,03 US cent tương đương 0,2% lên 17,98 US cent/lb, song vẫn thấp hơn mức cao nhất 5 tháng (18,81 US cent/lb) trong tuần trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London tăng 2,3 USD tương đương 0,5% lên 449,6 USD/tấn.
Xuất khẩu đường của Brazil trong tháng 7/2021 giảm xuống 2,47 triệu tấn so với mức 3,29 triệu tấn tháng 7/2020, do nhu cầu giảm bởi sản lượng đường Brazil vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê arabica tăng – lần đầu tiên – trong 6 phiên, song vẫn thấp hơn mức cao nhất gần 7 năm (trên 2 USD/lb) trong tuần trước, khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của thời tiết sương giá đối với cây trồng tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 2,05 US cent tương đương 1,2% lên 1,7485 USD/lb – tăng lần đầu tiên – trong 6 phiên; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London tăng 19 USD tương đương 1,1% lên 1.772 USD/tấn.
Nhà môi giới Marex dự kiến 6,7-8,8 triệu bao cà phê sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết sương giá và khô, khiến sản lượng cà phê arabica của Brazil trong niên vụ tới sẽ giảm xuống 42,6-44,8 triệu bao so với dự kiến 51,5 triệu bao trước đó.
Xuất khẩu cà phê Hondura trong tháng 7/2021 tăng 123% so với tháng 7/2020, đưa tổng xuất khẩu cà phê của khu vực này từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021 tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg