Hầu hết các thị trường ở Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ trong ngày 31/5 nên phiên giao dịch cuối cùng của những thị trường đó là ngày 28/5.
Năng lượng: Giá dầu tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Phiên giao dịch cuối tháng (31/5), giá dầu Brent giao dịch gần mức 70 USD/thùng nhờ tâm lý ngày càng lạc quan rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong quý tới, trong khi giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh trong tuần này.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 60 US cent (0,9%) lên 69,32 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 0,9% lên 66,91 USD/thùng. Thị trường giao dịch diễn ra thưa thớt trong phiên này do thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ.
Tính chung trong tháng 5, cả dầu Brent và WTI cùng đều ghi nhận tháng tăng giá thứ hai liên tiếp.
Giới chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ vượt xa so với khả năng nguồn cung, bất chấp khả năng Iran có thể xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ trở lại.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 14,3% trong tháng Ba. Số liệu cuối tuần qua từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cũng cho thấy số giàn khoan dầu khí hoạt động đã tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tuần trước đó.
OPEC và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga, sẽ nhóm họp trong ngày 1/6. Dự kiến, OPEC và các đồng minh, còn được gọi OPEC+, sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thu hẹp dần chương trình cắt giảm nguồn cung cho đến tháng Bảy. Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+ giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới cho năm 2021 vào khoảng 6 triệu thùng/ngày.
Kim loại quý: Giá vàng tháng 5 tăng mạnh nhất 10 tháng, bạch kim và bạc cũng tăng mạnh, riêng palladium giảm
Giá vàng thế giới ổn định trong phiên cuối cùng của tháng 5/2021. Kết thúc phiên này, vàng giao ngay giá tăng 0,3% lên 1.907,90 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tương lai tăng 0,2% lên 1.909,50 USD/ounce.
Tính chung cả tháng 5, giá vàng đã tăng gần 7,9% trong tháng 5/2021, là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020 giữa lúc đồng USD hướng đến tháng giảm thứ hai liên tiếp, trong khi sức ép lạm phát gia tăng cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Đối với các kim loại quý khác, giá palladium phiên cuối tháng tăng 0,2% lên 2.832,35 USD/ounce, nhưng tính chung cả tháng 5 đã giảm lần đầu tiên trong bốn tháng; giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.185,85 USD/ounce; trong khi giá bạc tăng 0,6% lên 28,05 USD/ounce và tháng 5 tăng nhiều nhất kể từ tháng 12/2020.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết đồng USD suy yếu đã “tiếp thêm sức” cho vàng. Hiện nhiều người dự kiến giá vàng có thể leo lên mốc 2.000 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã giảm tháng thứ hai so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,593% trong phiên 28/5, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Số liệu công bố ngày 28/5 cho thấy giá tiêu dùng Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 4/2021, vói thước đo lạm phát cơ bản vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992.
Vàng thường được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát, mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần tuyên bố rằng lạm phát tăng cao sẽ chỉ là tạm thời.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết miễn là Fed từ chối thay đổi chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng, lãi suất thực tế sẽ tiếp tục giảm sâu xuống vùng âm, và đó là thông tin tốt đối với vàng.
Sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này đang tập trung vào số liệu việc làm của Mỹ, công bố ngày 4/6, trong đó nhiều người dự báo số việc làm mới sẽ tăng thêm 650.000 việc.
Kim loại công nghiệp: Giá thép giảm, sắt tăng nhẹ, đồng cũng đi lên
Phiên cuối cùng của tháng 5 (31/5), giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng hồi phục sau khi giảm liên tiếp 2 tuần liền trước. theo đó, thép thanh kỳ hạn giao tháng 10 tăng 2,5% so với phiên trước, lên 5.027 CNY (789,96 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 5.354 CNY/tấn; và thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 tăng 2,7% lên 15.750 CNY/tấn.
Đáng chú ý, trong tháng qua, giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng đã tăng lần lượt 14,5% và 17,5% trong 12 ngày đầu tháng 5/2021, sau đó giảm hơn 24% trong 2 tuần tiếp theo. Tính từ 12/5 đến nay, giá thép đã giảm khoảng 18%, mất đi toàn bộ mức tăng của 2 tháng vừa qua.
Tính chung cả tháng 5, giá thép thanh vằn giảm 6,8%, còn thép cuộn cán nóng giảm 5,9%, chủ yếu bởi những chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng như bởi xu hướng thị trường.
Phiên 31/5, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 (hợp đồng tham chiếu) trên sàn Đại Liên tăng 4,5% lên 1.106 CNY/tấn; giá quặng sắt 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc tăng 1% lên 192,5 USD/tấn. Mặc dù giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 17% kể từ tháng 5/2021 đến nay, nhưng tính chung trong tháng 5 thì giá quặng sắt vẫn tăng 1,6%.
Sàn giao dịch kim loại London và New York kết thúc tháng 5 ở phiên 28/5. Theo đó, giá đồng hồi phục trong phiên cuối tháng khi các nhà đầu tư đặt cược rằng những kế hoạch chi tiêu của Mỹ cho cơ sở hạ tầng sẽ gây thiếu hụt nguyên liệu. Hy vọng này át đi nỗi lo về việc nhu cầu của Trung Quốc đang yếu dần.
Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 10.283,50 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 31%, ngày 10/5 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,50 USD/tấn.
Giá đồng tại Thượng Hải giao dịch phiên cuối cùng trong tháng 5 vào ngày 31/5, và có tháng tăng thứ 2 liên tiếp, do mối đe dọa nguồn cung tiềm năng tại Chile và các kế hoạch chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Cụ thể, giá đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,9% lên 73.950 CNY (11.617,68 USD)/tấn. Tính chung cả tháng, giá đồng tăng 2,1%.
Nông sản: Giá ngô và lúa mì giảm trong tháng 5, đậu tương, đường và cà phê tăng
Giá ngô giảm trong phiên cuối tháng do các thương nhân điều chỉnh vị trí các hợp đồng trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn bình thường.
Kết thúc phiên giao dịch 28/5 trên sàn Chicago, giá ngô Mỹ đã giảm 7-3/4 US cent xuống 6,56-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì và đậu tương phiên này cũng giảm giá. Theo đó, lúa mì giảm 12-3/4 cent xuống còn 6,63-1/2 USD/bushel.
So sánh với giá một tháng trước đó thì cả nogo và lúa mì đều đi xuống trong tháng 5. Riêng đậu tương giá tăng nhẹ.
Chính phủ Brazil mới đây đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguồn nước từ tháng 6-9/2021 đối với các bang Minas Gerais, Mato Grosso do Sul, Sao Paulo và Parana, tất cả bang này đều thuộc Lưu vực sông Parana, trung tâm sản xuất nông nghiệp của Brazil. Đây là cảnh báo khẩn cấp về nước đầu tiên trong 111 năm hoạt động của các cơ quan khí tượng ở Brazil, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán năm 2021.
Với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 7 phiên cuối tháng tăng 0,24 US cent (1,4%) lên 17,36 US cent/lb, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất 2 tuần, là 17,69 US cent. Giá đường trắng kỳ hạn giao tháng 8 trong phiên này cũng tăng 2,10 USD, tương đương 0,5%, lên 459,60 USD/tấn. Tính chung cả tháng 5, giá đường tăng.
Cà phê cũng tăng theo giá đường do thời tiết khô hạn ở Brazil. Theo đó, phiên giao dịch cuối tháng, giá arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 7 US cent, tương đương 4,5%, lên mức 1,6235 USD/lb, sau khi có thời điểm đạt 1,6315 USD, cao nhất trong vòng 4,5 năm, do triển vọng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ giảm đáng kể bởi thời tiết khô hạn, đúng vào chu kỳ cây cà phê cho sản lượng thấp.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 2% trong phiên 31/5 do tốc độ xuất khẩu chậm lại và Indonesia nâng thuế xuất khẩu trong tháng 6/2021, cùng với việc Malaysia phong tỏa trên toàn quốc cũng ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 91 ringgit tương đương 2,27% xuống 3.919 ringgit (950,75 USD)/tấn; trong phiên có lúc giá giảm 3,4%.
Trên thị trường xuất khẩu dầu cọ, Campuchia đang tăng mạnh lượng xuất khẩu. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, nước này đã xuất khẩu 19.916 tấn dầu cọ thô, tăng 5.246 tấn (tương đương 35,76%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su tại Nhật Bản phiên 31/5 chạm mức thấp nhất hơn 1 tuần, do thị trường cao su tại Thượng Hải và chứng khoán Tokyo suy yếu, trong khi số liệu hoạt động nhà máy tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – suy giảm, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 8,6 JPY tương đương 3,4% xuống 245,7 JPY (2,2 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch giá cao su chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/5/2021 (244,4 JPY/kg). Tuy nhiên, tính chung cả tháng, giá cao su tăng 0,3%. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 340 CNY xuống 13.400 CNY (2.103 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
gia hang hoa thang 5

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg