Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh nhất 9 tháng, giá khí đốt giảm trở lại
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần, là phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp, tính chung cả tuần giảm mạnh nhất hơn 9 tháng do các nhà đầu tư bán tháo hợp đồng tương lai với dự đoán nhu cầu nhiên liệu suy yếu trên toàn thế giới do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng do virus biến thể Delta bằng cách siết chặt những quy định về hạn chế đi lại. Trung Quốc đã áp dụng các phương pháp khử trùng nghiêm ngặt hơn tại các cảng, gây ra tắc nghẽn, các quốc gia bao gồm Australia tăng cường hạn chế đi lại và nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu đang giảm bớt sau khi cải thiện trong hầu hết mùa hè.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 1,27%, tương đương 1,9%, xuống 65,18 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4, tính chung cả tuần mất khoảng 8%. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giao tháng 9 phiên này giảm 1,37 USD, tương đương 2,2%, xuống 62,32 USD/thùng, tính chung cả tuần mất hơn 9%.
Hàng loạt yếu tố tác động không mấy tích cực lên xu hướng giá dầu.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế mới với chính sách "không khoan nhượng", theo đó ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu. HMỹ và Trung Quốc cũng đã áp đặt các hạn chế về hàng không.
Một số công ty Mỹ đã trì hoãn kế hoạch quay trở lại làm việc. Theo Bloomberg, Apple, công ty lớn nhất Mỹ tính theo giá trị thị trường, đang hoãn việc đưa công nhân trở lại cho tới đầu năm 2022.
Trong khi biến thể Delta khiến nhu cầu nhiên liệu giảm, nguồn cung vẫn tăng đều đặn. Công ty dịch vụ Baker Hughes cho biết sản lượng của Mỹ đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang dần tăng nguồn cung vốn đã bị siết chặt khi trong đại dịch bùng phát.
Đồng USD đạt mức cao nhất hơn 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh tín hiệu đang xem xét việc giảm kích thích tài chính trong năm nay cũng góp phần làm giảm giá dầu, bởi giá mặt hàng này thường di chuyển ngược chiều so với USD, khi USD tăng làm cho dầu trở nên đắt đở hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tuần này giảm do giá khí đốt và dầu ở châu Âu giảm cho cuộc cạnh tranh về nguồn cung nhiên liệu ngắn hạn giữa hai châu lục dịu lại.
Giá LNG trung bình đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 10 tại khu vực Đông Bắc Á tuần này ơ mức khoảng 15,50 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 1,55 USD so với tuần trước; kỳ hạn tháng 9 vào khoảng 15,20/mmBtu.
Giá dầu Brent kỳ hạn tương lai – loại dầu mà phần lớn các hợp đồng LNG ở Châu Á dùng làm cơ sở tham chiếu – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 mới có thể làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.
Giá khí đốt kỳ hạn tương lai ở Châu Âu cũng giảm sau khi Gazprom của Nga nâng dự kiến về lượng cung cấp cho châu lục này, ít nhất cũng giúp giá hạ nhiệt trong bối cảnh Châu Âu đang cố gắng gia tăng lượng dự trữ cho các kho đang ở mức thấp kỷ lục nhất trong một thập kỷ.
Giá than Trung Quốc vững trong phiên cuối tuần. Theo đó, than luyện cốc vững ở mức 2.287 CNY/tấn, trong khi than cốc giảm nhẹ 1% so với mức 2.875 CNY/tấn của phiên liền trước.
Thị trường chứng khoán Đại Liên sẽ tăng phí giao dịch đối với một số hợp đồng than cốc và than luyện cốc từ ngày 24 tháng 8.
Kim loại quý: Giá chịu tác động trái chiều
Giá vàng biến động nhẹ ở phiên cuối tuần trong bối cảnh USD tăng gây áp lực giảm giá nhưng lo ngại ngày càng tăng lên vè suy thoái kinh tế toàn cầu do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến giúp củng cố nhu cầu đối với kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.782,45 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,1% lên 1.784 USD/ounce.
Tính đến nay, giá vàng tăng khoảng 6% từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng là 1.684,37 USD/ounce hồi tuần trước.
Lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm lại và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm kích thích kinh tế đã làm giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro hơn. Nhưng đồng USD cũng được hưởng lợi từ nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, do đó USD tăng mạnh lên mức cao nhất 9-1/2 tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Nhận định về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia đặt niềm tin giá kim loại quý phát triển theo hướng tích cực. Giá vàng có tăng lên trên 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn.
Trưởng nhóm phân tích thị trường của CMC Markets UK - Michael Hewson cho biết, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ do chứng khoán Châu Á suy yếu đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Đồng quan điểm, bà Xiao Fu - Trưởng phòng chiến lược thị trường hàng hóa tại Bank of China International - cho biết, vàng đang được hưởng lợi từ một số khoản đầu tư an toàn do lo ngại về dịch COVID-19 trên thị trường.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư vàng lúc này là cuộc họp hàng năm của các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed tham dự, sẽ diễn ra vào tuần tới ở Jackson Hole, Wyoming, qua đó có thể làm sáng tỏ thêm về chiến lược tiền tệ và tiến trình nâng lãi suất của Fed.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,8% xuống 23,05 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 3 liên tiếp; Palladium giảm 1,6% xuống 2.276,17 USD và tính cả tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi mất 14%; platinum tăng 2,1% lên 994,18 đô la, nhưng cả tuần vẫn mất 3%.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm
Giá đồng tăng trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, khả năng Mỹ giảm kích thích kinh tế và số ca nhiễm Covid-19 tăng lên.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,8% lên 9.055 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ ngày 1/4 ở phiên liền trước - 8.894 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng này đã mất hơn 5%.
Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ kim loại công nghiệp trên toàn cầu. Dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng ở nước này đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Các kim loại cơ bản khác phiên này biến động thất thường. Giá nhôm tăng 0,3% lên 2,553 USD, kẽm giảm 0,8% xuống 2,929 USD/tấn, chì tăng 0,1% lên 2,263 USD, thiếc giảm 4,2% lên 31,730 USD và nickel tăng 0,4% lên 18,460 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng nhẹ trong phiên cuối tuần sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 5 liên tiếp do những bất ổn trên thị trường gia tăng bởi triển vọng nhu cầu yếu ở nước xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Kết thúc phiên, hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất – tháng 1/2022 - trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng 1,2% lên 784,50 CNY (120,67 USD)/tấn, song tính chung cả tuần giảm gần 6%.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 - giao dịch sôi động nhất - trên Sàn giao dịch Singapore phiên này cũng tăng 5,6% lên 137,85 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng ở phiên liền trước, nhưng tính chung cả tuần cũng giảm; quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trugn Quốc giảm xuống dưới 150 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Giá giảm có liên quan đến nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc yếu đi.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên vừa qua cũng tăng 1,5%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,3%, tính chung cả tuần cả 2 loại đều giảm. Thép không gỉ phiên cuối tuần giảm 1,2%.
Nông sản: Giá giảm
Giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tương lai trong phiên cuối tuần giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, ngô cũng xuống thấp nhất gần 1 tháng do lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô và bởi khu vực Trung Tây và đồng bằng của Mỹ đã có mưa, giúp cho cây phát triển tốt.
Giá đầu đậu tương kỳ hạn tương lai phiên này đã giảm hơn 5% do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) sẽ khuyến nghị giảm các quy định về pha trộn nhiên liệu sinh học ở quốc gia này trong năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 29-1/4 cent xuống 12,90-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc xuống 12,77-1/4 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 28/6. Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12 giảm 3,27 cent xuống 56,65 cent/pound. Giá ngô giao tháng 12 phiên này giảm 13-3/4 cent xuống 5,37 USD/bushel, sáu khi có lúc xuống chỉ 5,32-1/2 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 26/7.
Giá đường phiên cuối tuần cũng giảm. Theo đó, đường kỳ hạn tháng 10 giảm 0,21%, tương đương 1,1%, xuống 19,58 cent/lb, trong phiên có lúc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần. Giá đường trắng giao tháng 10 phiên này cũng giảm 5,50 USD hay 1,1% xuống 489 USD/tấn.
Giá đường đang có sự điều chỉnh nhẹ sau khi đạt mức cao kỷ lục 4,5 năm, là 20,37 US cent/lb trong phiên 17/8 bởi dự báo sản lượng ở khu vực Trung Nam Brazil sụt giảm trong mùa này. Tuy nhiên, giá đường thô dự báo sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng khoảng 30%.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn New York giảm xuống thấp nhất trong 10 phiên do ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá chung của thị trường hàng hóa và giảm bớt lo ngai về mùa vụ của Brazil bởi tổn thất do băng giá có thể không nhiều như những ước tính ban đầu.
Cà phê arabica giao tháng 12 phiên này kết thúc ở mức gần như không thay đổi so với phiên trước, ở mức 1,815 USD/lb, trong phiên có lúc giảm xuống mức thấp 1,7810 USD/lb. Cà phê robusta giao tháng 11 phiên nầy tăng 19 USD, tương đương 1,0% lên 1.882 USD/tấn.
Thị trường cà phê tiếp tục điều chỉnh giảm từ mức cao nhất gần 7 năm đạt được hôm 26/7 do lo ngại về sản lượng của Brazil.
Theo Commerzbank, mức độ thiệt hại đối với sản lượng cà phê vụ này sẽ vào khoảng 7%. Trong khi đó, Rabobank cho biết trong một lưu ý rằng vẫn còn sớm để có một ý tưởng rõ ràng về thiệt hại sẽ như thế nào đối với hoạt động sản xuất của Brazil.
Giá dầu cọ Malaysia tăng trong phiên cuối tuần, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng 25 ringgit, tương đương 0,59%, lên 4.263 ringgit (1.006,37 USD)/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất trong ngày là 1,3%.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong những ngày 1-20/8 giảm 8,73% xuống 788.211 tấn so với cùng kỳ tháng 7, theo công ty giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm trong phiên thứ Sáu (20/8), tính chung cả tuần cũng giảm tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần, sau khi dữ liệu từ Chính phủ Nhật cho thấy giá hàng hóa tăng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đang tác động đến kinh tế nước này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Osaka giảm 9,3 yên hoặc 4,1% yên xuống 215,5 yên/kg, tính chung cả tuàn giảm 3,2%. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn giao tháng 0iảm 3,2% xuống 14.240 CNY/tấn.
Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 7 đã thu hẹp tốc độ giảm hàng năm trong ba tháng liên tiếp, một dấu hiệu cho thấy lạm phát hàng hóa toàn cầu đang bù trừ phần nào áp lực giảm phát từ đợt giảm chi tiêu do đại dịch gây ra.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày thứ Tư (18/8), một ngày sau khi chính phủ mở rộng các biện pháp khẩn cấp để chống lại làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta.