Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp
Phiên giao dịch cuối tuần, 21/1, giá dầu giảm sau dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng và các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra sau khi giá dầu đạt mức cao nhất 7 năm hồi đầu tuần.
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent giảm 49 US cent, tương đương 0,6%, xuống 87,89 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 41 US cent, tương đương 0,5%, xuống 85,14 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều tăng khoảng 2% và có tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan đến các nước sản xuất dầu lớn Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Nga có thể làm trầm trọng thêm triển vọng nguồn cung vốn đã eo hẹp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng hơn 10% do lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Xu hướng giá dầu tăng kéo dài nhiều tuần nay bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (còn gọi là OPEC+) không cung cấp đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu, cho dù tổng sản lượng dầu của Libya đã phục hồi về mức 1,2 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities (Nhật Bản) đánh giá lo ngại về hạn chế nguồn cung có tác động mạnh mẽ đến thị trường hơn so với thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 31/1-6/2 như một phần trong kế hoạch của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhằm điều chỉnh đà tăng của giá dầu.
Trong khi đó, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trên thế giới trong năm 2022 bất chấp sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và động thái tăng lãi suất ở một số nước lớn. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán lượng dầu tại các kho dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè 2022 và giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng vào cuối năm nay.
UBS dự kiến nhu cầu dầu thô sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay và giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent lên 100 USD/thùng trong quý 3/2022, tăng so với dự báo 90 USD/thùng trước đó.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của OANDA Edward Moya chia sẻ: “Các nhà đầu tư không ngạc nhiên khi chứng kiến đà tăng của giá dầu chững lại. Có thể giá dầu không thể tăng một mạch tới mức 100 USD/thùng, nhưng những yếu tố cơ bản về nguồn cung chắc chắn sẽ hỗ trợ để điều đó xảy ra trước mùa Hè”.
Kim loại quý: Giá vàng tăng
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giảm. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.831,6 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm 0,6% xuống 1.831,8 USD/ounce.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty tư vấn tài chính ThinkMarkets cho biết, mặc dù giảm trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, giá vàng tăng 0,8% do các nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh an toàn để chống lại tác động từ lạm phát leo thang giữa bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro địa chính trị, trong khi việc chấp nhận rủi ro quá mức trên thị trường chứng khoán và tiền điện tử đã kết thúc.
Trong khi đó, ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Wolfpack Capital, đánh giá mức giảm của ngày thứ Sáu đối với kim loại quý là do hoạt động bán ra chốt lời trên tất cả các loại tài sản.
Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư tổ chức đang cố gắng bảo vệ lợi nhuận bằng mọi cách trên mọi thị trường. Do đó, việc xoay vòng từ các cổ phiếu tăng trưởng cao sang kênh trú ẩn là vàng đã bị đình trệ trong phiên 21/1. Ông Wright nói rằng vàng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn, nhưng cũng sẽ chứng kiến sự biến động tăng lên ở mức độ tương tự.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên cuối tuần giảm 0,6% xuống 24,28 USD/ounce, song có tuần tăng 5,8% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2021; giá palladium tăng 2,2% lên 2.105,18 USD/ounce, tính chung cả tuần, giá tăng 12,1%, là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Sang tuần tới, thị trường sẽ dồn sự tập trung vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 25-26/1. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ thắt chặt chính sách với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ một tháng trước để kiểm soát lạm phát.
Trong một báo cáo ngắn gửi tới khách hàng gần đây, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered nhận định đà tăng của giá vàng có thể khó duy trì trước một đợt tăng lãi suất dự kiến.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Fed, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng bạc xanh mạnh lên trong khi khiến sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng giảm đáng kể.
Nhà phân tích của Standard Chartered dự báo giá vàng sẽ đạt mức trung bình 1.783 USD/ounce vào năm 2022.
Các kim loại quý như vàng đã thu hút nhiều nhà đầu tư có nhu cầu trú ẩn, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo và lo lắng gia tăng về tình hình lạm phát cũng như động thái nâng lãi suất của Fed.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng
Phiên cuối tuần, giá đồng giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống 9.937 USD/tấn – dưới ngưỡng 10.000 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá tăng hơn 2%, được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung, tồn trữ thấp và một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc. Trong khi đó, giá đồng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 71.290 CNY (11.246,61 USD)/tấn.
Giá nickel trên sàn Thượng Hải phiên cuối tuần tăng mạnh 5,2% lên kỷ lục 179.780 tấn, và giá nickel trên sàn London tăng 1% lên 24.028 USD/tấn.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên cuối tuần giảm 2,6% xuống 3.030 USD/tấn, kẽm giảm 0,1% xuống 3.646 USD/tấn, riêng chì tăng 0,6% lên 2.363 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng khoảng 3% trong phiên cuối tuần và có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích mới của Bắc Kinh, trong khi giá thép tăng do các hạn chế sản lượng tại các nhà máy.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên phiên này tăng 3% lên 762 CNY (120,12 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 13/10/2021. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 4,6%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,1% lên 4.711 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 4.822 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 0,9% lên 18.500 CNY/tấn.
Nông sản: Ngũ cốc tăng, đường và cà phê giả
Phiên giao dịch cuối tuần, giá các mặt hàng nông sản tại Mỹ biến động trái chiều, với giá ngô tăng, trong khi giá lúa mì và đậu tương giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 11-1/2 US cent xuống 14,14-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 5-1/4 US cent lên 6,16-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông giao cùng kỳ hạn giảm 11-1/4 US cent xuống 7,8 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần trong phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, giá cả ngô, lúa mì và đậu tương đều tăng.
Giá ngô đã tăng lên mức cao nhất vào đầu tháng 1/2022, ở mức 6,17 USD/bushel nhờ mức giá cạnh tranh. Giá ngô trên sàn CBOT giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng và nhu cầu ngô Mỹ dự kiến cũng tăng lên.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo trong tuần kết thúc vào ngày 13/1, Mỹ đã xuất khẩu 14 triệu bushel lúa mỳ, 43 triệu bushel ngô và 24,7 triệu bushel đậu nành. Đối với vụ trồng trọt cho đến nay, Mỹ đã bán được 607 triệu bushel lúa mỳ, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đậu tương (1,584 triệu bushel, giảm 25%) và ngô (1,675 triệu bushel, giảm 9%).
Đậu tương của Mỹ đang trở nên cạnh tranh trở lại trong thời gian từ tháng 7-8/2021, do Trung Quốc được cho là đang tích cực đảm bảo nhu cầu nhập khẩu trong tháng Tám.
USDA thông báo đã bán 132.000 tấn đậu tương Mỹ cho Trung Quốc và 247.800 tấn ngô cho một điểm giấu tên.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE phiên cuối tuần giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 18,9 US cent/lb, chịu áp lực giảm bởi giá dầu thô cùng nhiều thị trường hàng hóa khác suy yếu. Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 1,9 USD tương đương 0,4% xuống 505,4 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường giảm.
Đối với mặt hàng cà phê, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London phiên 21/1 giảm 14 USD tương đương 0,6% xuống 2.213 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 5,75 US cent tương đương 2,4% xuống 2,379 USD/lb. Tính chung cả tuần, giá cà phê giảm.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần do giá dầu và thị trường chứng khoán châu Á suy yếu làm giảm nhu cầu, thúc đẩy hoạt động bán ra. Trong khi, lo ngại về sản lượng ô tô giảm bởi đại dịch lây lan mạnh cũng gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Osaka giảm 6,1 JPY tương đương 2,4% xuống 244,4 JPY (2,2 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 0,9% - tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 350 CNY tương đương 2,3% xuống 14.615 CNY (2.306 USD)/tấn.
Thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết, giá cao su giảm do sự không chắc chắn tạo ra bởi thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu suy giảm.
Giá hàng hóa thế giới

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)