Năng lượng: Giá dầu tăng tuần đầu tiên kể từ tháng 8
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần, nối tiếp đà giảm ở phiên liền trước, song những phiên đầu tuần tăng mạnh đã giúp giá dầu tuần qua tăng tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần bởi khả năng OPEC+ sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô khi nhóm họp vào ngày 5/10/2022.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/9, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11/2022 - hết hiệu lực vào ngày 30/9/2022 - giảm 53 US cent tương đương 0,6% xuống 87,96 USD/thùng; dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 2,07 USD xuống 85,11 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,74 USD tương đương 2,1% xuống 79,49 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều tăng hơn 1 USD vào đầu phiên nhưng đã thu hẹp đà tăng và quay đầu giảm vào cuối phiên do thông tin rằng sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9/2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020, vượt qua mức tăng đã cam kết trong tháng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết lo ngại gia tăng về sự ổn định tài chính ở Anh đang làm suy yếu triển vọng nhu cầu dầu mỏ một lần nữa.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 2% và 1%, đánh dấu mức tăng theo tuần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 và sau khi chạm mức thấp nhất trong chín tháng ghi nhận trong tuần này.
Tính chung trong quý 3/2022, giá dầu Brent và WTI giảm 23% và 25% theo thứ tự lần lượt.
Đà sụt giảm giá dầu trong những tháng gần đây đã làm dấy lên suy đoán rằng OPEC+ có thể can thiệp vào thị trường. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ngày 25/9 cho biết, OPEC+ đang theo dõi giá dầu và không muốn chứng kiến mức tăng mạnh hay giảm mạnh.
Thị trường dầu gần đây được hỗ trợ từ triển vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh xem xét cắt giảm hạn ngạch sản xuất thêm 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp vào ngày 5/10/2022.
Kim loại quý: Giá vàng tuần qua tăng nhẹ
Giá vàng phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần sau khi USD giảm khỏi mức cao gần đây, tính chung cả tuần giá vàng tăng nhẹ. Vàng đã trải qua tháng giảm giá thứ 6 liên tiếp, là chuỗi giảm giá dài nhất trong vòng 4 năm. Trong quý 3, giá giảm nhiều nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Kết thúc phiên cuối tháng, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.661,89 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng 1,1%; vàng kỳ hạn tương lai tăng 0,2% lên 1.672 USD.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: “Thị trường vàng đang ở một mức mà chúng ta có thể thấy một số chuyển động cao hơn ... (nhưng) tất cả phụ thuộc vào những gì đồng đô la hoạt động và tỷ giá diễn ra vào cuối tuần”. Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,1% lên 19,02 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,6% xuống 859,88 USD. Cả hai kim loại đều hướng tới mức giảm quý thứ hai liên tiếp. Giá palladium phiên này giảm 1,2% xuống 2.174,75 USD/ounce, tính chung cả quý tăng khoảng 12,3%.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng và nhôm tăng trong tuần
Giá kẽm tăng trong phiên 30/9 do lo ngại nhiều nhà máy luyện kim đóng cửa bởi giá năng lượng tăng cao, trong khi các kim loại khác tăng sau số liệu nhà máy của Trung Quốc cao hơn so với dự kiến. Ngoài ra, giá kẽm được hỗ trợ bởi tồn trữ giảm, tồn trữ kẽm trong tuần tại Thượng Hải giảm 32%. Kết thúc phiên này, kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,4% lên 2.971 USD/tấn.
Giá các kim loại khác tăng sau khi hoạt động nhà máy tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – tăng trong tháng 9/2022, tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp.
Giá điện tại châu Âu tăng dẫn đến việc cắt giảm sản lượng nhôm sử dụng nhiều năng lượng. Giá nhôm phiên này giảm 2,1% xuống 2,151 USD/tấn sau khi Rusal của Nga cho biết họ không có kế hoạch chuyển kim loại vào các kho đã đăng ký của LME. Giá đồng hầu như không thay đổi ở mức 7,541 USD/tấn, nhưng tính chung cả quý giảm khoảng 8%. Giá đồng giao sau trên sàn Comex của Mỹ tăng 0,2% lên 3,43 USD/lb.
Đồng trước đó đã được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy tồn kho trong các kho do Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải giám sát đã giảm xuống 30.459 tấn vào cuối tháng 9, mức thấp nhất kể từ ngày 21 tháng 1 và giảm 54,3% so với 66.661 tấn vào ngày 1 tháng 7.
Giá niken giảm 5,6% xuống 21.100 USD, nhưng thiếc tăng 0,1% lên 20.540 USD và chì tăng 0,6% lên 1.887,50 USD.
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore có quý giảm thứ 2 liên tiếp, do lo ngại chính sách zero-COVID nghiêm ngặt và những xáo trộn trong lĩnh vực bất động sản tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – gây áp lực thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 0,1% lên 721,5 CNY (101,66 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 730,5 CNY/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 96 USD/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc ở mức 100 USD/tấn, song giảm 18% so với quý trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng đều giảm 0,9%, trong khi thép không gỉ tăng 1,1%.
Nông sản: Giá lúa mì tuần qua tăng mạnh
Phiên cuối tuần, giá lúa mì tại Chicago tăng, được hỗ trợ khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm ước tính sản lượng và Nga sáp nhập các vùng của Ukraine, sau đó là các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì tăng 25-1/4 US cent lên 9,21-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 9,45-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 11/7/2022. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 4,66% - tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 9/9/2022. Giá ngô tăng 8 US cent lên 6,77-1/2 USD/bushel, sau khi tăng lên 6,96-1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 21/9/2022. Giá đậu tương giảm 46 US cent xuống 13,64-3/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 4/8/2022. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 4,28% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 24/6/2022.
Báo cáo về Dự trữ nông sản tính đến ngày 1/9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng ngô tăng, còn lượng đậu tương giảm nhẹ. USDA ước tính dự trữ ngô cuối niên vụ 2022-2023 ở mức 1,377 triệu bushel, nhiều hơn 142 triệu bushel so với niên vụ trước. Tuy nhiên vụ thu hoạch 2022 ít hơn làm đe dọa đến nguồn cung năm 2023 của Mỹ.
USDA đã nâng mức tiêu thụ ngô tồn dư hàng năm lên 5,706 triệu bushel do lượng lúa mỳ giảm. Vụ ngô năm 2022 bị cắt giảm 41 triệu bushel xuống còn 15,074 triệu bushel.
Vụ đậu tương năm 2022 của Mỹ đã tăng 30 triệu bushel lên 4.465 triệu bushel, với trữ lượng cuối cùng đạt 274 triệu bushel, so với 257 triệu bushel một năm trước. Cả sản lượng và diện tích thu hoạch đều được điều chỉnh cao hơn một chút.
Số liệu về lúa mỳ của USDA có xu hướng tăng. Sản lượng lúa mỳ của Mỹ năm 2022 đã giảm đáng ngạc nhiên 133 triệu bushel xuống 1.650 triệu bushel. Dự trữ lúa mỳ tính đến ngày 1/9 của Mỹ đạt tổng cộng 1,776 triệu bushel, phù hợp với ước tính thị trường và không thay đổi so với năm ngoái.
Nguồn cung đậu tương lớn hơn dự kiến của Mỹ đang trái ngược với nhu cầu xuất khẩu chậm lại và thời tiết thuận lợi ở Brazil. Ngô và lúa mỳ vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh những bất ổn ở Biển Đen leo thang.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE – đáo hạn vào ngày 30/9/2022 - thay đổi nhẹ, ở mức 18,42 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London giảm 1,1 USD tương đương 0,2% xuống 528,7 USD/tấn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 29 USD, tương đương 1,3%, xuống 2.153 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 4,15 US cent tương đương 1,8% xuống 2,2155 USD/lb, do mưa tại Brazil cải thiện triển vọng vụ thu hoạch cà phê trong năm tới tại nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau dữ liệu cho thấy tăng trường nhà máy nội địa, song đà tăng bị hạn chế bởi thị trường cao su Thượng Hải giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Osaka tăng 0,7 JPY tương đương 0,3% lên 228,3 JPY (1,58 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 0,1%; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 135 CNY xuống 13.135 CNY (1.852 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 1,1% xuống 132,6 US cent/kg.
Sản lượng tại các nhà máy của Nhật Bản tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8/2022, khi lĩnh vực sản xuất cho thấy khả năng phục hồi bất chấp chi phí năng lượng và nguyên liệu tăng cao và lo ngại về kinh tế toàn cầu suy thoái.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)