Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 6 liên tiếp
Giá dầu thô thế giới vừa trải qua tuần giảm thứ 6 liên tiếp – kỳ giảm dài nhất kể từ tháng 9/2020, do hoạt động bán mạnh trong bối cảnh gia tăng lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và biến thể mới có thể làm giảm nhu cầu trên toàn cầu.
Phiên cuối tuần (3/12), giá dầu Brent tăng 21 cent, tương đương 0,3%, lên 69,88 USD/thùng, trong khi dầu thô vùng ngọt nhẹ Mỹ giảm 24 cent, tương đương 0,4%, xuống 66,26 USD.
Trong phiên này, giá biến động mạnh do nhóm OPEC+ cho biết có thể xem xét lại chính sách tăng sản lượng dầu trong thời gian ngắn nếu số lượng các đợt đóng cửa kinh tế vì đại dịch gia tăng - ảnh hưởng đến nhu cầu. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá quay đầu giảm, kéo dài chuỗi ngày giảm sang ngày thứ 6 liên tiếp đối với cả 2 loại dầu – dài nhất kể từ tháng 11/2018.
Ngày 2/12, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách xuất khẩu dầu mỏ hiện nay trong tháng 1/2022, dù có những ý kiến cho rằng tổ chức này sẽ hạn chế nguồn cung do quan ngại về biến thể Omicron và việc Mỹ mở kho dầu dự trữ chiến lược. Theo đó, nhóm 23 thành viên này sẽ điều chỉnh tăng tổng sản lượng dầu thô mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Điều này cho thấy OPEC+ sẽ vẫn tiếp tục chính sách dầu mỏ mà tổ chức này đã thực hiện từ tháng Năm vừa qua. Tuy nhiên, OPEC+ để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách nếu nhu cầu bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron. Nhóm này có thể họp trở lại sớm hơn dự kiến là vào ngày 4/1 tới.
Tuần qua, các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ duy trì số lượng giàn khoan không thay đổi, sau khi tăng năm tuần liên tiếp trước đó, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Kim loại quý: Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Giá vàng vừa trải qua 3 tuần liên tiếp giảm, với mức giảm trong tuần vừa qua là 0,4%, do các lãnh đạo của Fed đồng loạt có những phát biểu theo hướng “diều hâu” khi nói về việc cắt giảm kích thích kinh tế và lãi suất.
Phiên cuối tuần (3/12), giá vàng tăng gần 1% do chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của virus Omicron sẽ gây ra những ảnh hưởng gì và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Theo đó, giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,9% lên 1.785,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,2% lên 1.783,90 USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA cho rằng: “Vàng đang được hưởng lợi từ tâm lý chuộng tài sản an toàn khi nhà đầu tư lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm nhanh việc mua trái phiếu và tình hình dịch Covid-19 phức tạp trở lại khi cả hai biến thể Delta và Omicron đều gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn”.
Tâm lý của nhà đầu tư trên các thị trường tài chính nhìn chung đều không lạc quan vì bị áp lực bởi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy kết quả có tốt có xấu và những lo ngại xung quanh biến thể Omicron, khiến chỉ số chứng khoán Nasdaq giảm hơn 2%.
Một yếu tố nữa hỗ trợ giá vàng. Đó là lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,4%, thấp nhất kể từ tháng 9, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Dữ liệu từ Mỹ vừa công bố cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 11 không được như mong đợi khi chỉ tăng 210.000 việc, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 550.000 trong cuộc thăm dò của Reuters. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng giảm từ 4,6% xuống 4,2%, mức thấp nhất trong vòng 21 tháng, cho thấy thị trường lao động đang ổn định trở lại.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh các số liệu việc làm của những tháng trước theo hướng tích cực hơn, và đưa ra những thông tin chi tiết chắc chắn về thị trường lao động nước này. Theo đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 10 được điều chỉnh tăng từ 531.000 lên 546.000, tháng 9 tăng từ 321.000 lên 379.000, tương đương tăng tổng cộng 82.000 việc trong hai tháng.
Với những cơ sở trên, dự kiến các nhà hoạch định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng này sẽ quyết định đẩy nhanh việc giảm mua trái phiếu và chuyển dần sang việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Thị trường đánh giá xác suất Fed sẽ nâng lãi suất tiền tệ vào tháng 5/2022 lên tới 74%. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì điều đó làm cho vàng trở nên kém hấp dẫn so với tiền tệ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 22,51 USD/ounce; bạch kim giảm 1,1% xuống 927,07 USD, trong khi palladium tăng 1,2% lên 1.802,51 USD.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm, trừ thiếc và quặng sắt
Trong tuần qua, giá đồng, nhôm, sắt thép… đồng loạt giảm nhẹ.
Phiên 3/12, giá đồng giảm do USD mạnh lên sau dữ liệu cho thấy dữ liệu việc làm không như kỳ vọng và Fed vẫn tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ như kế hoạch.
Các thị trường cũng đang bị ảnh hưởng bởi virus biến thể Omicron – khiến các quốc gia đưa ra các biện pháp hạn chế mới để làm chậm sự lây lan, điều có thể làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1% xuống còn 9.401 USD/tấn, tính chung cả tuần gần như không thay đổi. Đồng USD tăng giá làm cho hàng hóa tính bằng đô la trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Nhà sản xuất đồng Chile Codelco dự đoán giá sẽ giảm trong năm tới nhưng các nhà phân tích của Commerzbank cho biết giá đồng sẽ đạt trung bình 9.400 USD/tấn vào năm 2022, còn Bank of America cho biết giá trung bình sẽ là 9.813 USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, Lượng đồng lưu kho trên các sàn giao dịch giảm cho thấy nhu cầu vẫn ổn định đối với kim loại được sử dụng trong điện và xây dựng này. Trong các kho của Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát, dự trữ đồng giảm 13,7% xuống 36.110 tấn, còn trong các kho của sàn LME, lượng đồng hiện có là 78.350 tấn, bằng khoảng một phần ba so với cuối tháng Tám.
Gianclaudio Torlizzi, đối tác tại công ty tư vấn T-Commodity ở Milan, cho biết: “Đồng và các kim loại cơ bản khác đang giữ giá tốt bất chấp những tin tức tiêu cực như virus biến thể, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và khả năng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn LME tăng 0,6% lên 2,616 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 3,159 USD, chì giảm 2% xuống 2,212 USD, thiếc tăng 0,8% lên 39.300 USD trong khi nickel tăng 0,3% ở 20.005 USD.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 5,5% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, xuống 613 nhân dân tệ (96,23 USD)/tấn, do sản lượng của các nhà máy thép vẫn trì trệ trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá hợp đồng này tăng 6,4%. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 1 USD xuống 104,5 USD/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất của các lò cao tại 247 công ty thép trên khắp Trung Quốc đã giảm bảy tuần liên tiếp và hiện ở mức 74,8% (tính đến 3/12), giảm từ mức 75,2% một tuần trước đó, theo công ty tư vấn Mysteel.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải biến động trái chiều. Thép cây kết thúc phiên tăng 2,1% lên 4.384 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng cũng tăng 1,6% lên 4.769 nhân dân tệ/tấn, trong khi thép không gỉ giao tháng 1, giảm 0,7% xuống 16.860 nhân dân tệ/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép gairm.
Nông sản: Giá đậu tương và đường tuần qua tăng
Thị trường lúa mì tuần qua biến động mạnh do các nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của virus Omicron đối với kinh tế. Phiên cuối tuần, giá lúa mì vững lúc đầu phiên, nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên sau dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 11 đã chậm lại đáng kể.
Giá lúa mì trên sàn Chicago phiên này đã giảm 11-1/4 cent xuống 8,03-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 6,27%.
Trong khi đó, giá đậu tương tăng bởi có dấu hiệu về nhu cầu mới đến từ Trung Quốc và lo ngại về điều kiện thời tiết ở Nam Mỹ. Theo đó, giá đậu tương tăng 23 cent lên 12,67-1/4 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 1,2%
Giá ngô cũng tăng giá trong phiên này do giá dầu thô dù giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến các nhà sản xuất ethanol có thể vẫn tiếp tục tăng sử dụng ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học. Kết thúc phiên, giá ngô tăng 7-1/4 US cent lên 5,84 USD, tính chung cả tuần giảm 0,47%.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho giá ngô và đậu tương sẽ theo sát tình hình thời tiết ở Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các nguồn tin thương mại cho biết Trung Quốc đặt mua 24-28 chuyến hàng đậu tương của Brazil và Mỹ trong tuần qua.
Giá cà phê robusta phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất 10 năm, trong khi arabica tăng gần 3% do sự gián đoạn việc vận chuyển từ các nước sản xuất lớn.
Theo đó, cà phê robusta giao tháng 1 kết thúc phiên tăng 2,1% lên 2.386 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức 2.419, cao nhất kể từ tháng 8/2011. Cà phê arabica giao tháng 3 cũng tăng 2,8% lên 2,4335 USD/lb, đang quay trở lại mức cao nhất trong 10 năm, khoảng 2,48 USD đạt tới vào cuối tháng 11. Giá robusta đã tăng 4 phiên liên tiếp.
Cà phê thế giới liên tục tăng khi tình trạng hạn hán ở Brazil ảnh hưởng đến một số khu vực trồng cà phê trọng điểm, sẽ khiến niên vụ mùa 2022 rơi vào tình trạng bấp bênh.
Đây chính là yếu tố thúc đẩy giá cà phê Robusta có được sức mua lớn trong các phiên giao dịch hiện nay. Đó cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đổ về các sàn giao dịch cà phê nhiều hơn. Trong khi nguồn cung từ nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu là Việt Nam không dễ sớm cải thiện được.
Các kho dự trữ cà phê arabica của sàn ICE đã giảm hơn 260.000 bao trong 20 ngày qua, trong khi dự trữ robusta giảm hơn 10.000 tấn trong cùng kỳ.
Giá đường thô kỳ hạn giao tháng 3 tăng 0,7% lên 18,75 cent/lb, hồi phục mạnh mẽ từ mức thấp nhất 4 tháng, là 18,46 cent, chạm tới ở phiên trước đó. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng tăng 0,45% lên 486,90 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 2 liên tiếp để kết thúc tuần giảm đầu tiên trong vòng 4 tuần do những lo lắng dai dẳng về virus biến thể Omicron và dữ liệu sản xuất của các nhà máy Trung Quốc thấp hơn dự kiến.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sở giao dịch Osaka phiên này giảm 3,0 yên, tương đương 1,2%, xuống 240,6 yên (2,1 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 2,3%, kết thúc chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 5, cũng giảm 255 nhân dân tệ xuống 14.720 nhân dân tệ (2.311 USD)/tấn, mức thấp nhất trong hai tuần.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, giảm 9,4% so với một năm trước đó.
Lượng cao su lưu trữ trên sàn Thượng Hải 30,2% trong vòng một tuần qua.