Năng lượng: Giá dầu cuối tuần gần như không thay đổi so với đầu tuần
Phiên cuối tuần, 3/9, giá dầu giảm sau báo cáo số liệu việc làm của Mỹ thấpu hơn dự kiến cho thấy sự phục kinh tế không bền vững, đồng nghĩa nhu cầu nhiên liệu chậm lại khi đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, đà giảm giá bị hạn chế bởi lo ngại nguồn cung của Mỹ sẽ vẫn hạn chế bởi bão Ida, khiến sản lượng từ Vịnh Mexico bị giảm sút.
Kết thúc phiên 3/9, giá dầu Brent giảm 42 US cent (0,58%), xuống 72,61 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 70 US cent (1%), xuống 69,29 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá của hai loại dầu chủ chốt này tương đối ổn định, với dầu WTI tăng nhẹ 0,8%, sau nhiều phiên giữa tuần giá trồi sụt bất thường bởi tác động bởi diễn biến của cơn bão Ida, lập trường chính sách của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và số liệu việc làm mới nhất của Mỹ.
Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 235.000 việc làm trong tháng 8/2021, mức “khiêm tốn” nhất kể từ tháng 1/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo tạo thêm 728.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Trong khi đó, 93% sản lượng dầu và khí đốt ở Vịnh Mexico của Mỹ phần lớn vẫn bị đình trệ sau cơn bão Ida, tương đương 1,7 triệu thùng. Trong vòng 12 giờ sau khi vào bờ, bão Ida đã suy yếu thành bão cấp 1 và từ đó giảm xuống thành bão nhiệt đới vào đầu tuần này. Hàng trăm cơ sở sản xuất dầu đã được sơ tán trước khi bão tiến vào, đồng nghĩa tất cả sản lượng dầu ngoài khơi vùng Vịnh Mexico (khoảng 1,74 triệu thùng/ngày) đã bị đình chỉ sản xuất.
Sau những trận gió và mưa lớn, gần 1,2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở bang Louisiana và Mississippi đã mất điện vào thứ Hai. Và việc cơn bão di chuyển vào đất liền đã khiến thị trường chuyển sự chú ý sang thời điểm các nhà máy lọc dầu có thể khởi động lại hoạt động sản xuất.
Tình trạng mất điện cùng việc đóng cửa nhà máy lọc dầu trên bờ biển Vịnh Mexico buộc các thương nhân phải cân nhắc tới khả năng hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này sẽ bị gián đoạn kéo dài.
Một số nhà phân tích nhận thấy khả năng dầu sẽ tăng giá sau khi OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đang “mắc kẹt” với kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường trong vài tháng tới. Mỹ hoan nghênh động thái này và cam kết hối thúc OPEC+ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng cách tăng sản lượng.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 4 liên tiếp
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng hơn 1%, lên mức cao nhất trong vòng hơn 2,5 tháng do thị trường việc làm của Mỹ tăng ít hơn dự kiến khiến USD giảm và làm giảm khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.830,71 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 tại 1.833,8 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 tăng 1,2% lên 1.833,7 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng tuần thứ 4 liên tiếp.
Ông Naeem Aslam, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty môi giới giao dịch ngoại hối AvaTrade cho hay số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn rất nhiều ước tính của thị trường, cho thấy thị trường lao động vẫn còn một chặng đường dài để khôi phục lại như cũ. Ông cho rằng xu hướng chủ đạo của giá vàng sẽ là đi lên. Ông cũng lưu ý một thực tế là thị trường đang “nghiện” chính sách tiền tệ nới lỏng, Fed khó có thể sớm thắt chặt chính sách của mình.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nói rằng vàng đã không vượt qua ngưỡng kháng cự 1.835 USD/ounce. Diễn biến này cho thấy có thể có hoài nghi là đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh, và không chắc Fed có trì hoãn việc thu hẹp các biện pháp kích thích hay không.
Nhìn chung, tuy số phiên giảm nhiều hơn số phiên tăng, giá vàng thế giới vẫn ghi dấu tuần đi lên thứ tư liên tiếp.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng và nhôm tăng mạnh
Phiên cuối tuần qua, giá các kim loại cơ bản được hỗ trợ bởi USD yếu đi sau khi báo cáo việc làm của Mỹ không như kỳ vọng làm dấy lên đồn đoán Mỹ sẽ trì hoãn việc siết chặt chính sách tiền tệ. Tính chung cả tuần, giá đồng và nhôm tăng, trong khi các kim loại cơ bản khác giảm.
Phiên này, gía đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,6% lên 9.439 USD/tấn. Kim loại này tiếp tục có tuần tăng giá sau khi tăng 4% trong tuần trước.
Tồn kho đồng giảm đang củng cố giá. Dự trữ đồng trên sàn LME giảm 1/3 trong 2 tuần qua xuống 152.475 tấn.
Phiên này, giá nhôm tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm ở Trung Quốc gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 2.723 USD/tấn.
Giá thép tại Thượng Hải phiên cuối tuần tăng, trong đó thép không gỉ tăng hơn 6% cùng với sự gia tăng của thép thanh và thép cuộn cán nóng, do việc hạn chế sản lượng trong mùa nhu cầu cao điểm gây lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel, nhu cầu đối với 5 sản phẩm thép, gồm thép xây dựng và thép sản xuất tăng tuần thứ 3 liên tiếp (tính tới ngày 2/9) lên 10,41 triệu tấn. Tuy nhiên, công suất sử dụng tại 162 lò cao ở Trung Quốc đã giảm xuống 75,06% trong tuần này từ 75,53% trong tuần trước đó.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 10 tại Thượng Hải tăng khoảng 6,1% lên 18.760 CNY (2.904,97 USD)/tấn. Chốt phiên hợp đồng này tăng 5,9% lên 18.715 CNY.
Thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 1 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 4,3% lên 5.84 CNY/tấn, tính chung cả tuần tăng 5,3%.
Thép thanh dùng trong xây dựng tăng 2,4% lên 5.408 CNY/tấn, cả tuần tăng 3,6%.
Giá của các thành phần sản xuất thép tăng nhẹ. Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,4% lên 786 CNY/tấn.
Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc không đổi tại 147,5 USD/tấn trong ngày 2/9.
Nông sản: Giá đường giảm
Phiên cuối tuần, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,28 US cent hay 1,4% xuống 19,62 US cent/lb. Hợp đồng này đã mất 2% trong tuần này. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 3,8 USD hay 0,8% xuống 485,1 USD/tấn.
Giá đường đang hạ nhiệt sau khi chạm mức cao nhất 4,5 tháng trong tháng trước. Nhu cầu yếu được thể hiện ờ giá đường thô và đường trắng giao ngay ở mức thấp hơn so với những kỳ hạn xa hơn.
Tuy nhiên, thị trường đường vẫn có xu hướng tăng giá, với sự đồng thuận mạnh mẽ dự đoán nguồn cung thiếu hụt trong năm niên vụ tới 2021/22 do sản lượng giảm ở Brazil.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1,35 US cent hay 0,7% trong phiên 3/9, xuống 1,93 USD/lb. Hợp đồng này tăng chỉ 0,4% trong tuần này. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 3 USD hay 0,1% lên 2.059 USD/tấn. Hợp đồng này đã tăng 2% trong tuần này, thiết lập mức cao nhất 4 năm tại 2.092 USD/tấn trong ngày 1/9.
Giá cao su của Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần do hy vọng số liệu yếu tại Trung Quốc có thể thúc đẩy Bắc Kinh tung ra thêm một số biện pháp kích thích và do nhu cầu tài sản rủi ra tăng trên thị trường chứng khoán Nhật Bản mạnh lên sau khi Thủ tường Nhật Bản Yoshihide Suga quyết định từ chức. Tồn trữ cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,6% so với một tuần trước.
Cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,2% lên 212 JPY (1,9 USD)/kg, tính chung cả tuần tăng 2,7% sau hai tuần sụt giảm.
Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 65 CNY lên 13.810 CNY (2.141 USD)/tấn.
Trung Quốc có thể tăng cường chi tiêu tài chính và tăng trưởng tín dụng do sự phục hồi kinh tế của họ chậm lại.
Giá hàng hóa thế giới tuần qua