Báo cáo lần này theo chúng tôi sẽ không có quá nhiều thay đổi số liệu đáng kể do mùa vụ của 3 nước sản xuất chính vẫn đang khá ổn định trong 1 tháng vừa qua. Argentina và Brazil đang trong giai đoạn thu hoạch, triển vọng sản lượng không còn là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới xu hướng giá. Những thiệt hại về mùa vụ gây ra bởi hạn hán kỷ lục trong 100 năm qua được dự đoán vẫn sẽ duy trì và mức sản lượng đậu tương có thể tiếp tục bị cắt giảm trong báo cáo này. Tuy nhiên, thông tin trên không còn là yếu tố bất ngờ đối với thị trường và kết hợp với việc các tổ chức và cơ quan khác cũng đã cắt giảm mạnh tay dự báo sản lượng của Argentina nên tác động “bullish” sẽ không đáng kể.
Đối với Brazil, mặc dù tình hình mùa vụ dự kiến vẫn không thay đổi nhưng hoạt động xuất khẩu lại là yếu tố đáng quan tâm của quốc gia này. Dự báo về một mùa vụ kỷ lục đang được thu hoạch cùng với lo sợ giá đậu tương sẽ tiếp tục giảm đã thúc đẩy nông dân đẩy mạnh hoạt động bán hàng và xuất khẩu. Điều này kéo theo xuất khẩu của Mỹ chịu áp lực cạnh tranh lớn. Nếu như xuất khẩu đậu tương Mỹ trong giai đoạn tháng 2 và 3 năm nay cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm qua thì tình hình xuất khẩu 2 tháng qua lại có dấu hiệu chậm lại rõ rệt. Khối lượng đậu tương được thông quan và lên tàu hàng tuần hầu hết đều dưới mức trung bình 5 năm và thấp hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Đây sẽ là yếu tố củng cố đà giảm của giá đậu tương.

Nguồn cung đang bất bênh, giá Arabica khả năng cao giằng co
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/05, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Arabica khởi sắc sau phiên giảm mạnh đầu tuần do đồng Real mạnh lên, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm gần 0,5%, làm hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân nước này. Trong khi đó, Robusta suy yếu nhẹ dù cho những lo ngại về khan hiếm nguồn cung gia tăng sau dữ liệu xuất khẩu tháng 04 tại Việt Nam giảm hơn 22% so với tháng trước đó.
Theo báo cáo cà phê hàng tuần của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ chính phủ Brazil (Conab), bình quân giá cà phê tại các vùng sản xuất chính của quốc gia này trong tuần kết thúc ngày 05/05 ở mức 871,5 Real/bao, giảm so với mức 900,4 Real/bao của tuần trước đó. Giá nội địa giảm trong khi vụ thu hoạch mới đang đến gần, giúp thúc đẩy hoạt động bán hàng ra thị trường của nông dân, từ đó gây sức ép lên giá.
Tuy vậy, vấn đề nguồn cung trong ngắn hạn vẫn tồn tại lo ngại khan hiếm với tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 5 tháng trở lại đây và chưa có thông báo bổ sung nguồn mới trong thời gian ngắn tới. Đây vẫn sẽ là yếu tố quan trọng hạn chế những tác động “bearish” từ các thông tin cơ bản khác.

Giá đồng có thể được hỗ trợ nếu số liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt
Thị trường đồng mở cửa phiên 10/05 với mức giảm nhẹ do triển vọng tiêu thụ vẫn yếu tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu là Trung Quốc, trong khi nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn trước thềm Mỹ công bố dữ liệu lạm phát vào tối nay.
Bộ năng lượng và mỏ của Peru mới công bố sản lượng đồng tháng 3 của Peru đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 219.275 tấn. Ngoài ra, tồn kho đồng trên Sở LME đã liên tục tăng sau khi chạm mức thấp kỷ lục kể từ tháng 8/2005 vào ngày 13/04, khi chỉ còn 51.550 tấn, hiện tồn kho đã tăng gần 50% lên mức 71.657 tấn. Nguồn cung đồng ổn định sẽ là yếu tố gây sức ép tới giá đồng trong phiên.
Tuy nhiên, tới phiên tối, giá đồng sẽ bám sát theo dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào tối nay là báo cáo đầu tiên trong số hai báo cáo lạm phát được công bố trước cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 6. Cả hai báo cáo đều sẽ được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ, do các quan chức Fed đã nhấn mạnh rằng Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới để quyết định chính sách tiền tệ và vẫn bỏ ngỏ khả năng ngừng tăng lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Mỹ được dự báo tăng chậm lại so với tháng trước, CPI lõi tháng 4 dự kiến tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 5,6% trong tháng 3.
Nếu dữ liệu công bố tối nay cho thấy lạm phát lõi tăng chậm lại đúng như dự báo, điều này sẽ làm gia tăng kỳ vọng Fed tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất và làm suy yếu đồng USD, giúp củng cố sức mua trên thị trường đồng. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch cho thấy 79% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại vào tháng 6.
Tuy nhiên, nếu báo cáo cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn tăng trưởng nóng, điều này khiến cho Fed có thêm không gian để tiếp tục thực hiện chiến dịch thắt chặt tiền tệ, kết hợp với vấn đề trần nợ của Mỹ vẫn chưa được giải quyết, nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục đối diện với nguy cơ suy thoái và làm suy yếu triển vọng tiêu thụ đồng.

Giá dầu có thể nối dài đà tăng nếu số liệu lạm phát hạ nhiệt
Giá dầu giảm trong sáng nay sau khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3,6 triệu thùng, sau ba tuần giảm liên tiếp.
Tại Canada, Rystad Energy cho biết các vụ cháy rừng ở Alberta, khu vực chịu trách nhiệm gần 80% sản lượng dầu của nước này, có thể đã gây thiệt hại tương đương 500.000 thùng/ngày.
Trong tối nay, tin tức có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường dầu là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ. Số liệu này sẽ giúp cho các nhà đầu tư có được dự báo sớm về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Hiện các nhà phân tích dự báo CPI và CPI lõi (trừ năng lượng và thực phẩm) tháng 4 sẽ tăng lên 0,4% so với tháng 3.
Nếu các số liệu cao hơn so với dự báo, đồng USD sẽ tăng mạnh và gây sức ép lên giá dầu. Trong kịch bản ngược lại, tâm lý thị trường sẽ được cải thiện vì lạm phát hạ nhiệt sẽ là động lực để Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và tránh đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giá dầu sẽ nối dài đà tăng nhờ sự suy yếu của đồng USD, và kỳ vọng tiêu thụ dầu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng sẽ được công bố vào tối nay. Nếu số liệu tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu trái ngược với thông tin của API hoặc không tăng quá mạnh so với dự báo, giá dầu có thể nhận được sự hỗ trợ lớn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)