Sau nhiều lần giảm liên tiếp, từ 15h30 ngày 19/8, giá xăng dầu đã bật tăng trở lại, tăng nhiều nhất là xăng E5 (975 đồng/lít), tiếp theo là xăng RON 92 (675 đồng/lít); dầu hỏa tăng ít nhất (200 đồng/lít).

Theo tính toán của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 19/8/2016 là 50,094 USD/thùng xăng RON 92; 52,508 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 52,522 USD/thùng dầu hỏa; 235,739 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.

Thực hiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư Liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC và hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, với mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Sau khi thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh như sau: Xăng RON 92 tăng 675 đồng/lít; xăng E5 tăng 975 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 253 đồng/lít; dầu hỏa tăng 200 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 214 đồng/kg.

Đáng lưu ý, trong kỳ điều hành này, giá xăng E5 tăng tương đối mạnh do có sự thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể giá xăng sau khi điều chỉnh tăng :

Thế giới: Giá dầu chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua

Tiếp tục đà hồi phục từ cuối tuần trước, thị trường năng lượng trên thế giới tiếp tục khởi sắc trong tuần vừa qua, nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sự phối hợp của Nga, sẽ sớm đưa ra những biện pháp kiểm soát sản lượng nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung, vốn luôn là nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư.

Giá dầu thế giới liên tục đi lên kể từ đầu tuần (phiên 15/8), giữa bối cảnh Bộ trưởng Năng lượng Nga "bóng gió" đề cập đến khả năng hợp tác với OPEC để "đóng băng" sản lượng khai thác dầu thông qua một cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tháng Mười tới.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak đưa ra sau khi OPEC thông báo kế hoạch tiến hành cuộc họp không chính thức bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế được tổ chức tại Algeria trong các ngày 26-28/9/2016.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Kahlid al-Falih, cũng khẳng định rằng nước này, với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thuộc OPEC, sẽ phối hợp tích cực với các thành viên trong khối nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.

Báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ được công bố ngày 17/8 cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của thị trường năng lượng.

Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có dầu mỏ, trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư nhờ giá mua vào rẻ hơn, bất chấp sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, vào phiên 18/8, giá dầu Brent đã vượt qua mốc 50 USD/thùng.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch cuối tuần (19/8), thị trường dầu mỏ lại có sự phân hóa. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ tiếp tục đi lên, đánh dấu phiên tăng thứ bảy liên tiếp thì giá dầu Brent lại quay đầu hạ nhẹ, do tâm lý thận trọng của giới đầu tư.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 9/2016 tăng 30 xu Mỹ (0,6%), lên 48,52 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc gần như đi ngang và chỉ mất 1 xu Mỹ, xuống 50,88 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ tăng 9,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng Ba năm nay. Còn giá dầu Brent cũng chứng kiến mức tăng 8,3% cho cả tuần, mức tăng tốt nhất kể từ đầu tháng Tư.

Tuy vậy, Nigeria vẫn bày tỏ sự hoài nghi trước khả năng OPEC có thể cắt giảm sản lượng trong thời gian tới, giữa bối cảnh sản lượng của Saudi Arabia đã tăng lên 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy và nhiều báo cáo cho thấy nhu cầu dầu của Ấn Độ giảm 2,4%/năm.

Tim Evans, Giám đốc chiến lược tại Long Leaf Trading Group, cho biết mặc dù ghi nhận tuần tăng ấn tượng trong hơn 5 tháng qua, song thị trường dầu mỏ vẫn còn phải đối mặt với thời kỳ khó khăn phía trước, bởi nền tảng thị trường còn yếu.

Nguồn: VITIC/Báo Công Thương điện tử, Vietnamplus.vn

http://www.vietnamplus.vn/gia-dau-chung-kien-tuan-tang-manh-nhat-trong-nhieu-thang-qua/402033.vnp

 

 

Nguồn: Vinanet