Báo cáo tại cuộc họp mới đây bàn về nhu cầu và khả năng phát triển cá rô phi, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi và chế biến cá rô phi xuất khẩu. 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số doanh nghiệp tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Thanh Hóa quan tâm đến việc chế biến, xuất khẩu cá rô phi. Trong đó xuất hiện các công ty chế biến cá rô phi xuất khẩu lớn như Cty TNHH MTV Chế biến Thủy sản Hoàng Long (Đồng Tháp) và Cty CP Nam việt (An Giang) với công suất chế biến xuất khẩu đạt khoảng 25.000 tấn/năm.

Sản phẩm cá rô phi chế biến xuất khẩu chính của Việt Nam gồm phi lê còn da, phi lê lạng da và cá rô phi nguyên con đông lạnh.

Theo thống kê, sản lượng cá rô phi thương phẩm năm 2014 ước đạt 125.000 tấn, khối lượng đưa vào chế biến xuất khẩu khoảng 25.000 tấn, tương đương với 10.000 tấn sản phẩm. Tiêu thụ nội địa ở dạng sống đạt 100.000 tấn.

Về tình hình xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá rô phi đông lạnh. Năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam đạt hơn 32 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân cá rô phi nguyên con đông lạnh là 2,5 USD/kg và cá rô phi phi lê đông lạnh là 4,5USD/kg.

Bà Tạ Vân Hà (Đại diện Cổng thông tin Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam tăng mạnh trong 3 năm gần đây. 

Cụ thể, tăng từ 1,9 triệu USD năm 2004 lên đến 35,7 triệu USD năm 2014, tăng 265%. Thị trường xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam lớn nhất là Mỹ. Năm 2014, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 8,9 triệu USD, chiếm 25%, thứ hai là Tây Ban Nha đạt 4,4 triệu USD chiếm 12,4%, thứ ba là Colombia đạt 3,7 triệu USD chiếm 10,4%, Hà Lan đạt 2,9 triệu USD chiếm 8,3%, Bỉ đạt 1,7 triệu USD chiếm 4,8%, Đức đạt 1,6 triệu USD chiếm 4,5%...

“Rô phi Việt Nam đang có cơ hội tại thị trường Mỹ vì lượng nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan vào thị trường này đang co lại. Tại Mỹ, cá rô phi Việt Nam có giá trung bình đạt 2,7 USD/kg, cao hơn Trung Quốc (2,3 USD) và  Đài Loan (2,5 USD)”, bà Hà cho hay.

 

Đánh giá về tiềm năng phát triển nuôi cá rô phi, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho hay, hiện nay, Việt Nam có trên 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, với công suất chế biến đạt 2,8 triêu tấn sản phẩm/năm. Các cơ sở này đều có khả năng dễ dàng chuyển đổi sang chế biến cá rô phi phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, là nước đi sau, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia….  Bên cạnh đó, sản lượng cá rô phi của Việt Nam còn ít, chưa có thương hiệu, chưa tạo được sản phẩm có những đặc trưng riêng.

Trong sản xuất, chất lượng giống chưa tốt, chưa tự chủ được nguồn giống cá bố mẹ trong nước, quy mô nhỏ, thời gian nuôi dài, chi phí nuôi cao, dịch bệnh còn xảy ra nhiều…

Mặc dù cũng thừa nhận chất lượng giống chưa đáp ứng được cho xuất khẩu, kém cạnh tranh so với các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Philippines song đại diện Tổng Cục Thủy sản cho hay, định hướng trong tương lai sẽ phát triển cá rô phi thành đối tượng nuôi chủ lực của Việt Nam. 

Theo đó, kế hoạch sản xuất đến năm 2020, đạt chỉ tiêu nuôi thâm canh 20.000 ha, năng suất 20-25 tấn/ha, sản lượng 400.000 - 500.000 tấn; nuôi bán thâm canh 10.000 ha, năng suất 10-15 tấn, sản lượng khoảng 100.000 - 150.000 tấn. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu cá rô phi ước đạt 150 triệu USD, tạo việc làm cho 2 vạn lao động trên cả nước.

Kiều Linh