Đền Hoysaleswara nằm ở thị trấn Halebidu, bang Karnataka, miền tây nam Ấn Độ được đánh giá là quần thể kiến trúc đặc trưng, mẫu mực nhất của triều đại Hoysala (1000-1346) còn lại cho đến nay. Ngôi đền thờ thần Shiva trong đạo Hindu có cổng chính hướng ra phía đông, trong khi lối vào dành cho khách du lịch nằm ở cổng phía bắc. Trong thời đại của mình, các vị vua Hoysala đã cho xây dựng hơn 1.500 ngôi đền khắp đế chế, nhưng hiện chỉ còn khoảng 100 công trình.
Đền được xây dựng từ năm 1121 tới 1160, dưới thời vua Vishnuvardhana Hoysaleshwara. Điều gây ngạc nhiên nhất với khách du lịch là những cây cột đá trong đền. Rất nhiều người cho rằng chúng trông giống như sản phẩm của máy móc cơ khí hiện đại, dù được tạo ra từ gần 900 năm trước.
Trên thực tế, các nhà khảo cổ học cũng đưa ra ý kiến những cột trụ này được chế tác bằng máy tiện nhưng không thể giải thích được cách làm của người Hoysala.
Gian thờ đặt Shiva linga, biểu tượng thờ phụng mang ý nghĩa sự sinh sôi nảy nở trong trời đất. Hoysaleshwara thực chất là hai ngôi đền có kiến trúc giống hệt nhau, một cho nhà vua và một cho nữ hoàng. Ở bên ngoài còn có hai nandi, kiến trúc giống ngôi đền nhưng nhỏ hơn thờ thần bò, xung quanh là lối đi bằng đá.
Các bức tượng trong đền đều được chạm khắc từ đá nguyên khối. Nhà sử học Percy Brown mô tả toàn bộ công trình là một "ví dụ nổi bật về kiến trúc Hindu giáo" và là "đỉnh cao của kiến trúc Ấn Độ".
Bức tường bên ngoài đền là sử thi của đạo Hindu được kể bằng nghệ thuật điêu khắc. Các nhà nghiên cứu, nhà phê bình đánh giá 240 tác phẩm điêu khắc của ngôi đền là kiệt tác vùng Nam Á.
Vật liệu sử dụng cho bức tường bên ngoài được gọi là đá xanh, có đặc tính mềm và dễ tạo hình lúc mới khai thác, nhưng cứng lại theo thời gian khi tiếp xúc với không khí.
Tượng thần bò ở ngôi đền nhỏ hơn trong quần thể kiến trúc. Hai tác phẩm này có kích thước lớn thứ 6 và thứ 7 trong số các tượng đá nguyên khối ở Ấn Độ và đứng đầu bảng về vẻ đẹp, độ tinh xảo và độ bóng.
Đồ vật nằm trên tay phải của vị thần Masana Bhairava trong bức phù điêu gợi liên tưởng đến một loại máy móc cơ khí nào đó với bánh răng xung quanh. Tuy nhiên, lịch sử Ấn Độ không có bất cứ ghi chép nào nói về việc người Hoysala sở hữu các công nghệ hiện đại phục vụ cho việc xây dựng ngôi đền.
Hệ thống thoát nước của ngôi đền.
Nguồn: Vnexpress.net