Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức cho hàng hóa trong vấn đề cạnh tranh ngay trên “sân nhà", xuất xứ hàng hóa và vấn đề về phòng vệ thương mại (PVTM).
EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM đối với hàng hóa Việt
Trong thời gian qua, để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với những quy định và thông lệ quốc tế, Việt Nam đã áp dụng các công cụ PVTM và mang lại hiệu quả nhất định, giúp DN giảm thiểu thiệt hại gây ra do sự gia tăng đột biến, cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu.
Theo thống kê của Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, nước ta đã điều tra và áp dụng 8 biện pháp PVTM để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước. Cụ thể là các sản phẩm phân bón DAP/MAP; bột ngọt; sản phẩm sắt, thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu, nhôm thanh định hình, màng BOPP.
Về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết, chính nhờ sự chủ động áp dụng các biện pháp PVTM hợp lý và cần thiết đối với các sản phẩm trên, nên chúng ta đã bảo vệ việc làm cho gần 120.000 người lao động. Đồng thời, thông qua đó, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Bên cạnh đó, theo tính toán của Bộ Công thương, những ngành sản xuất nói trên ước tính đóng góp khoảng 6,23% GDP của nước ta. Thêm vào đó, với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong thời gian qua, hiện tượng các DN sản xuất bị ảnh hưởng khi bị áp dụng biện pháp PVTM đã tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra khỏi nước bị áp dụng biện pháp gia tăng. Do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các DN đó khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của nước ta.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu nước ta, trung bình 1 vụ/năm. Tuy nhiên, trong các năm 2017 – quý I/2020, đã có thêm 7 vụ việc mới được khởi xướng điều tra, trung bình mỗi năm đã có 2 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra.
Đáng chú ý, tính đến nay, EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM, bao gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc PVTM với hàng hóa của Việt Nam. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm giày mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, ô xít kẽm, mỳ chính. Tính đến nay, chỉ có biện pháp tự vệ với thép (2018) là đang còn hiệu lực.
Phát triển chuỗi sản xuất, tăng năng lực tự vệ
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, các biện PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các DN. Đây là các công cụ hợp pháp, hiệu quả hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với sự gia tăng của hàng nhập khẩu cũng như hàng nhập khẩu phá giá, trợ cấp.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ, điều chỉnh biện pháp PVTM phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của DN trong nước. “Nhiều DN sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng, như Thép Hòa Phát, Tôn Đông Á, DAP Hải Phòng... Điều này cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc tế của DN Việt vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên để hội nhập thành công, DN cần nâng cao hơn nữa năng lực tự vệ trên thương trường” - ông Dũng cho hay.
Đại diện Cục PVTM cũng nhấn mạnh, nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ vẫn đang và sẽ gia tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh sau khi EVFTA có hiệu lực thực thi. Do đó, nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì không những ảnh hưởng đến các DN, ngành hàng cụ thể, mà về lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta, nhất là khi EVFTA có yêu cầu khá cao về xuất xứ.
Song song với đó, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh; siết chặt quản lý, giám sát đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM… “Trong thời gian tới, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, chúng ta sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, tăng cường khả năng ứng phó của các ngành, cộng đồng DN” - ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, Bộ Công thương khuyến cáo thêm, hiện xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản..., để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, chúng ta cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tính từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 2 vụ việc khởi xướng điều tra mới, 2 vụ nhận đơn nhưng chưa khởi xướng điều tra. Riêng trong quý I/2020, số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra PVTM đối với sản phẩm Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ 2019.