EVFTA cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng thêm 0,5% GDP và xuất khẩu tăng từ 4-6% mỗi năm.
Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang EU như hiện nay thì tới năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU nhờ có FTA sẽ tăng thêm 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi là những thách thức, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung phải có sự chuẩn bị, thay đổi để hoàn thiện năng lực cạnh tranh.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế thuộc Chính phủ.
- Xin ông cho biết những diễn biến quan trọng và kết quả đàm phán Hiệp định EVFTA?
Ông Trịnh Minh Anh: Tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán EVFTA sau khi hai bên hoàn tất công việc kỹ thuật.
Thực hiện chỉ đạo của hai lãnh đạo, Việt Nam và EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA vào ngày 26/6/2012. Sau gần 3 năm đàm phán, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ nội dung cơ bản của Hiệp định.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó, các nội dung chính của Hiệp định gồm Thương mại hàng hóa (lời văn về qui định chung và cam kết mở cửa thị trường); Quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); đầu tư phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý); phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề về pháp lý.
- Thưa ông, đây là Hiệp định đàm phán thương mại tự do quan trọng với phạm vi đàm phán rộng, mức độ cam kết sâu và tác động rất lớn đến chiến lược phát triển chung của từng lĩnh vực nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Xin ông cho biết tác động chủ yếu đối với từng lĩnh vực cụ thể và doanh nghiệp qua những cam kết từ EVFTA?
Ông Trịnh Minh Anh: Tác động lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định này có hiệu lực vì EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Với những mặt hàng quan trọng, EU cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực như dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên). Không những thế, mặt hàng gạo cũng đặc biệt được EU dành cho một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Do đó, gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng mặt hàng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình.
Còn lại các sản phẩm từ gạo EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác cũng trong diện được ưu đãi như mật ong, rau củ quả, túi xách, vali, sản phẩm gốm sứ thủy tinh; ô tô xe máy, rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn, thịt gà…Đặc biệt, Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp. Đây được coi như tác nhân để kích thích quá trình tự thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn.
-EVFTA sớm đi tới hiệu quả cuối cùng và nhiều cơ hội sẽ đến nhưng cũng song hành với thách thức. Vậy, theo ông doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị những gì để đón và tận dụng tốt từ lợi ích mà Hiệp định này mang lại?
Ông Trịnh Minh Anh: Trong thách thức thì bao giờ cũng là cơ hội, bởi vì trong cả quá trình hội nhập, một trong những điểm cân nhắc của cam kết, đó là những cam kết đó phải phù hợp với chủ trương, nhất là những chủ trương về đổi mới cơ cấu nền kinh tế sao cho đáp ứng được giai đoạn phát triển mới trong tương lai.
Rào cản của thị trường EU lớn nhất đối với Việt Nam là những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật. Cùng đó là những nguy cơ về các vụ kiện thương mại, chống bán phá giá trợ cấp và tự vệ. Khi các rào cản về thuế quan được cắt giảm theo FTA này thì có nguy cơ những rào cản khác sẽ bị dựng lên; các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được tăng cường trong thời gian tới để bảo vệ ngành sản xuất của họ.
Có hai loại quy định khác nhau, thứ nhất là những quy định về an toàn vệ sinh và kỹ thuật. Loại quy định thứ hai cũng rất quan trọng là tiêu chuẩn tự nguyện. Bên cạnh những quy định chung, một số tổ chức cá nhân có những yêu cầu khắt khe hơn đối với các sản phẩm hàng hóa mà họ kinh doanh hay phân phối. Nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn này, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn từ thị trường châu Âu. Ngoài ra, các nhà sản xuất Việt Nam cũng nên lưu ý về thương hiệu, giúp người tiêu dùng châu Âu dễ dàng nhận ra sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Khi tham gia Hiệp định TPP chúng tôi cũng mong muốn cơ hội dành cho tất cả các doanh nghiệp không phải doanh nghiệp bất kỳ nào đó. Cùng với việc EVFTA xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của hai bên như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ. Cùng với những hỗ trợ từ phía EU, những thách thức cũng được giảm thiểu, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao tiên tiến từ các nước EU.
Hy vọng những kết quả từ Hiệp định này mang lại sẽ như một cú hích thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường khó tính EU nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020 và vượt xa mục tiêu xuất khẩu mà Nhà nước đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định của Hiệp định nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên./.
Theo Uyên Hương
TTXVN/Vietnam+