Chia sẻ thông tin tại Hội thảo: “DN nông nghiệp hành động tiếp cận EVFTA”, diễn ra ở Hà Nội mới đây, Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho biết: EU là thị trường nhập khẩu rau, quả rất lớn, chiếm tỷ trọng tới 45 - 50% lượng rau, quả nhập khẩu của thế giới. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, rau, quả Việt Nam XK vào EU cơ bản vẫn là sản phẩm tươi thô, sơ chế, sản phẩm đã qua chế biến sâu rất ít nên giá trị gia tăng chưa cao.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau, quả sang EU đạt giá trị kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU. Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau, quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10 - 20%. Từ ngày 1/8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến sẽ được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh XK của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc…, khi họ xuất khẩu vào EU nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với EU tương tự như Việt Nam.
Để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu từ EVFTA, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho rằng: Các nhà sản xuất, xuất khẩu rau, quả Việt Nam cần có các chương trình quản lý trồng trọt, sản xuất áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Ngoài ra, khi XK rau, quả vào EU, cần lưu ý xu hướng tiêu dùng của người EU rất chú trọng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản, thông tin sản phẩm phải minh bạch hóa và có tính bền vững của chuỗi cung ứng hoặc có các chứng nhận về phát triển bền vững khác...
Rất nhiều sản phẩm rau, quả nhiệt đới của Việt Nam có thế mạnh XK vào thị trường EU. Khi thực thi EVFTA, EU sẽ cắt giảm thuế suất về 0% (nhóm sản phẩm này hiện đang chịu thuế suất từ 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đẩy mạnh XK, chiếm lĩnh thị phần tại thị trường EU.