Nhìn nhận thực trạng thuốc lá mới tại thị trường Việt Nam
Các sản phẩm thuốc lá mới (TLM), bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đang có xu hướng gia tăng sử dụng tại Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Các sản phẩm thuốc lá mới đang lưu thông trên thị trường phần lớn là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Thuốc lá điện tử lậu chiếm tới 90% thị trường thuốc lá mới tại Việt Nam và được bán, tiếp thị một cách công khai nhắm tới giới trẻ qua các nền tảng truyền thông mạng xã hội được sử dụng phổ biến.
Ảnh Internet
Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam thực hiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 45% thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã từng tiếp xúc với quảng cáo thuốc lá mới qua mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, Tiktok... Còn theo điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành đã tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5% năm 2022).
Thực trạng thuốc lá mới đang tràn lan tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, kinh tế và sức khỏe của toàn xã hội, thế nhưng một trong các lý do khiến cho việc quản lý mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đó là tại Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể, thiếu chính sách quản lý đồng bộ và hiệu quả đối với các sản phẩm thuốc lá mới. Trong khi đó, trên thế giới việc quản lý các sản phẩm này đa dạng, có quốc gia cấm toàn phần, hoặc cấm đối tượng sử dụng, hoặc cho phép nhưng ưu đãi về thuế, nhưng cũng có quốc gia cho phép nhưng lại đánh thuế cao.
Cần quản lý đồng bộ và hiệu quả
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cho rằng: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm việc sử dụng thuốc lá khoảng 32,5% vào năm 2030, so với tỷ lệ của năm 2015 như đã đề ra trong chương trình sức khỏe Việt Nam.
Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế, bởi theo Tiến sĩ Angela Pratt, giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, chính vì thế giới trẻ dễ hình thành thói quen sử dụng thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn đưa ra cảnh báo rằng các quốc gia cần cẩn trọng bởi các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này sẽ thu hút giới trẻ bằng những sản phẩm mới hấp dẫn để trẻ hóa thế hệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nicotine.
Việc nhập khẩu, sản xuất về sản lượng và quy định kinh doanh của các đơn vị làm về ngành hàng này cũng chịu sự quản lý nghiêm ngặt và phải báo cáo thường kỳ với Chính phủ về mức độ tuân thủ đúng với luật định.
Trong bối cảnh hiện nay, nên có cách tiếp cận mở hơn và phải tìm cách quản lý có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, bảo đảm thuốc lá thế hệ mới phát triển theo đúng định hướng theo mong muốn.
Trong phiên giải trình về trách nhiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới hồi tháng 5/2024 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra các quyết sách quản lý thuốc lá mới là không thể chậm trễ, đồng thời cần hài hòa lợi ích giữa các bên. Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế, các dữ liệu toàn cầu về xu hướng phát triển và bằng chứng khoa học về giảm thiểu tác hại, rủi ro của thuốc lá thế hệ mới để đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào quản lý dưới cùng một khung pháp lý.