Nâng cao nhận thức cần được tính đến trong một tổng thể, hướng tới các đối tượng, từ những người dân không sử dụng thuốc lá, những người trực tiếp sử dụng thuốc lá cho đến những người có thẩm quyền trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Mỗi nhóm đối tượng, cần có tần suất và mức độ tác động khác nhau. Mỗi chúng ta có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
Việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc lá để có thể bảo vệ được quyền lợi của những người xung quanh là điều mà chúng ta ai cũng cần phải làm. Cần tăng cường công tác giáo dục gia đình, nâng cao ý thức của chính các thành viên gia đình đối với việc phòng chống tác hại của thuốc lá. Các trẻ em vị thành niên cần phải được định hướng, cần phải có các tấm gương từ chính các thành viên khác trong gia đình về ý thức phòng tránh tác hại của thuốc lá cho chính bản thân mình, cho người thân và cho cả cộng đồng xã hội. Có thể thấy rằng, nhận thức của mỗi người đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Một môi trường làm việc không khói thuốc chính là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành.
Để nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực trên các cơ quan thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và lối sống không thuốc lá. Đồng thời, tại các khu vực công cộng, việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các pa nô, áp phích, hình ảnh trực quan... về tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, trong các trường học đã triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường. Nhờ vậy, ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên, tình trạng hút thuốc trong nhà, nơi công cộng, trường học, bệnh viện hay tại các nhà hàng, khách sạn… phần nào được hạn chế.
Tuy nhiên, thông qua hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ này không lớn. Ngược lại, người mắc bệnh có liên quan đến thuốc lá lại có xu hướng tăng. Tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được triển khai đồng bộ... Bên cạnh thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ.
Trên thực tế hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nâng cao nhận thức và nói “không” với thuốc lá, bởi những chế tài và hình thức xử phạt cho người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa đi vào thực chất, chưa có tính răn đe mạnh, việc thực thi quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công vẫn là "cuộc chiến" chưa có hồi kết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 liên tục bùng phát với biến chủng mới, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá chưa được triển khai thường xuyên.
Công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, mỗi người hãy cùng chung tay đưa nội dung Luật này vào đời sống để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả chúng ta.

Nguồn: VITIC tổng hợp