Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung bướu Quốc gia Mỹ, hút thuốc lá gây tổn thất cho kinh tế thế giới khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, việc hút thuốc lá mỗi năm khiến khoảng 7-8 triệu người tử vong, và con số này sẽ tăng thêm khoảng 1/3 vào năm 2030. Những thiệt hại đó nhiều hơn cả nguồn thu hàng năm có được từ thuế đánh vào thuốc lá – ước tính 269 tỷ USD trong năm 2013-14, chưa kể tới gần 1 tỷ USD đầu tư cho việc kiểm soát thuốc lá.
WHO đã tiến hành một nghiên cứu trên diện rộng, có sự tham gia của hơn 60 bác sỹ, chuyên gia y tế cộng đồng, nhà nghiên cứu và các nhà khoa học khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc là là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong sớm trên thế giới. Nếu các quốc gia không tích cực áp dụng nhiều chính sách kiểm soát thuốc lá hơn nữa thì hậu quả sẽ không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, mà còn là cả vấn đề về kinh tế.
Theo ông Oleg Chestnov của WHO: “Ngành thuốc lá sản xuất và tiếp thị các sản phẩm (thuốc lá) khiến hàng triệu người tử vong sớm, lấy đi nguồn tài chính của các hộ gia đình – lẽ ra được sử dụng cho việc học hành của con cái và mua thực phẩm nuôi sống gia đình, đồng thời buộc các gia đình, cộng đồng và quốc gia phải dành khoản chi phí lớn cho chăm sóc sức khỏe”.
Theo nghiên cứu của WHO, hầu hết những người gặp vấn đề về sức khỏe do sử dụng thuốc lá sinh sống ở các nước đang phát triển. Cụ thể, 80% trong tổng số hơn 1,1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Những người càng nghèo thì việc giải quyết những hậu quả do hút thuốc lá gây ra càng trở nên khó khăn.
Để cứu mạng sống của nhiều người, WHO khuyến nghị các quốc gia nên áp dụng các chính sách kiểm soát việc sử dụng thuốc lá, bao gồm đánh thuế và tăng giá thuốc lá cũng như hạn chế các hoạt động tiếp thị thuốc lá.
Các chuyên gia lưu ý rằng, Chính phủ một số nước phản đối mạnh mẽ việc đưa ra các chính sách kiểm soát thuốc lá bởi lo ngại điều đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Nhưng “Trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại”, theo ông Jeremiah Paul thuốc bộ phận Kinh tế Kiểm soát Thuốc lá của WHO.
Do việc đổi mới về công nghệ, và các doanh nghiệp thuốc lá đã chuyển dần từ sở hữu của Nhà nước sang của tư nhân, nên số việc làm phụ thuộc vào ngành thuốc lá đã giảm ở hầu hết các quốc gia.
“Đối với hầu hết các nước, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá sẽ chỉ có ảnh hưởng rất ít đối với thị trường việc làm và hầu như không dẫn tới mất việc làm”, báo cáo nghiên cứu của WHO cho biết.
Tại Mỹ, tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, là 15,1%, nhưng hút thuốc lá vẫn là “nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật có thể phòng ngừa và tử vong (preventable disease and death)”, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao hơn là phụ nữ. Mỹ đã áp dụng việc tăng thuế, nhưng thuế vẫn chiếm trung bình dưới 50% giá bán lẻ thuốc lá.
Báo cáo của WHO cũng lưu ý rằng, Mỹ vẫn còn đi sau nhiều nước trong việc dán nhãn cảnh báo bằng hình ảnh cũng như giới hạn việc tiếp thị thuốc lá.
T.Hải - (Theo Washingtonpost)