Bạn có biết các đầu lọc thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng đã sinh ra một lượng rác thải khổng lồ như thế nào không? Theo
Tạp chí Môi trường và
Hội nông dân Việt Nam, ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá được thải ra ngoài môi trường, 275 tỷ vỏ bao thuốc lá được sản xuất và thải ra môi trường sau khi sử dụng và phải mất nhiều năm mới có thể phân hủy được.
Mỗi năm, ước tính có 1,4% diện tích rừng bị tàn phá để lấy gỗ sấy thuốc lá, ngoài ra, gỗ còn được sử dụng để xây lò sấy, làm giấy cuốn thuốc lá và bao bì đựng thuốc lá. Quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất. Cây thuốc lá hấp thu nhiều chất dinh dưỡng trong đất dẫn đến hiện tượng xói mòn đất ngày càng nhanh do đất bị bạc màu. Trồng cây thuốc lá phải sử dụng nhiều loại thuốc có chất độc hại như trừ sâu, diệt cỏ khiến thẩm thấu, tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, đất… Ngoài ra, tàn thuốc lá cũng có thể gây cháy rừng và hỏa hoạn lớn.
Thuốc lá giải phóng các phân tử trong không khí giống như ô tô thải ra khí thải. Một nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá thải ra lượng khí độc hại cao gấp 10 lần so với các loại nhiên liệu. Trong khói thuốc chứa các độc tố như ammonia, carbon dioxide và cyanide gây tổn hại vô cùng đến bầu khí quyển. Khói thuốc là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng…
Đối với nguồn nước, thuốc lá gây ra tỷ lệ ô nhiễm đại dương lớn hơn ống hút nhựa, giấy gói và chai nhựa. Các vật liệu trong bộ lọc thuốc lá sẽ gây ra nguy hiểm với nhiều động vật thủy sinh. Nhiều loài động vật lầm tưởng thuốc lá là thức ăn của chúng, dẫn đến sự tích tụ làm tắc nghẽn đường tiêu hóa dẫn đến cái chết đau đớn ngay cả khi chúng đói vì không thể tiêu thụ được thức ăn.
Hút thuốc lá là bạn đang tự hủy hoại môi trường sống của chính mình. Đã đến lúc chúng ta cần phải dừng lại và suy ngẫm về những hệ lụy mà thuốc lá để lại. Để từ đó có những hành động đảm bảo an toàn cho con người và sự sống của môi trường.
Ph. Hòa (Tham khảo: Vnmha, Tapchimoitruong, Hoinongdan, Baobacgiang)