Mở rộng các FTA sẽ thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới, nhưng Việt Nam cũng phải gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, phi thuế quan cùng các chính sách ưu đãi để hàng hóa của các đối tác FTA được tự do vào thị trường nội địa. Do đó sẽ có sự so găng quyết liệt giữa hàng nội và hàng ngoại nhập trên thị trường trong nước.
Tại hội thảo tổng kết việc thực hiện đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) giai đoạn 2011-2015 và phương hướng giai đoạn 2016-2020 diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Nguy cơ cạnh tranh dữ dội với hàng hóa nhập khẩu thì đã thấy, nhưng DN trong nước vẫn còn mơ hồ và chưa quan tâm tới TBT, dù những rào cản kỹ thuật này đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh của DN.
Hàng VN xuất khẩu trong nhiều năm qua liên tục phải đối mặt nhiều vụ kiện từ Châu Âu, Mỹ, và các nước láng giềng. Mới đây, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá tôn sơn phủ màu nhập từ VN, gây khó khăn cho DN. Vậy nhưng ở thị trường trong nước, tại thời điểm này mặt hàng tôn sơn phủ màu Trung Quốc đang ồ ạt NK, chiếm hơn 50% thị phần tiêu thụ tại VN mà không có biện pháp kỹ thuật nào bảo vệ sản xuất trong nước.
Được biết, TBT được coi là công cụ hỗ trợ để DN sử dụng khi thuế suất được đưa về 0%, và được coi là hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc vận dụng TBT của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình là các phòng xét nghiệm, thử nghiệm (LAB) để kiểm định chất lượng trên cả nước không đủ khả năng thực hiện trách nhiệm. Hay như việc nhiều nông sản NK từ Trung Quốc để 6 tháng vẫn không bị hỏng, nhưng Cục QLTT, Cục VSATTP không phát hiện chất cấm được sử dụng để bảo quản do thiếu máy móc, thiết bị cần thiết nên không thể cấm MK được loại hàng hóa này. Thông tin trên thị trường đang tồn tại tới 2.000 loại hóa chất bảo quản, nhưng ở VN mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại nên không thể ngăn chặn được nhiều loại hàng hóa độc hại xâm nhập thị trường để bảo vệ sản xuất nội địa.
Được biết, thời gian qua Việt Nam đã có sửa hơn 6.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đối phó với hàng hóa NK trước các FTA. Ngay từ năm 2006, VN đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trong đó quy định rất rõ việc phải sửa đổi bổ sung các hệ thống tiêu chuẩn cũ cho hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện có so với số lượng hàng hóa NK tràn vào thị trường thì có thể khẳng định hệ thống tiêu chuẩn của VN chưa đủ đáp ứng.
Để cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá NK, cộng đồng DN hơn lúc nào hết cần cơ quan nhà nước xây dựng cho được bộ hàng rào kỹ thuật dựa trên những tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với các nguyên tắc trong FTA. Chậm ngày nào, DN sẽ thiệt hại ngày đó.
Theo: laodong.com.vn