Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 14h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,55 triệu đồng/lượng - bán ra 67,15 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,55 triệu đồng/lượng - bán ra 67,15 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,60 triệu đồng/lượng - bán ra 67,22 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.976 – 1.985 USD/ounce
Giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc do đồng USD tăng mạnh. Giới đầu tư thất vọng về khả năng Mỹ sẽ sớm giảm lãi suất.
Vàng giảm rất mạnh trong bối cảnh áp lực bán chốt lời tăng cao sau khi mặt hàng kim loại quý lên gần đỉnh cao lịch sử 2.070 USD/ounce. Mức giảm sâu khiến hoạt động bán diễn ra mạnh hơn. Vàng giảm ngay sau khi đồng USD tăng nhanh trở lại.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - tăng thêm 0,5% lên ngưỡng 103,1 điểm. Trước đó, chỉ số này có lúc về ngưỡng 101 điểm.
Gần đây, giới đầu tư nhận thấy họ đã đánh cược quá sớm vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, Fed đã dội gáo nước lạnh vào hoạt động bán khống đồng USD, qua đó thúc đẩy lực cầu mua lại đồng bạc xanh để tránh thua lỗ.
Đồng USD tăng nhanh đã gây áp lực giảm giá lên vàng. Đồng bạc xanh được coi là "tài sản an toàn" cạnh tranh với vàng, khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn đối với khách hàng nước ngoài. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), người tiêu dùng tại Trung Quốc đổ xô mua vàng trong ba tháng đầu năm nay sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
Nhu cầu trang sức của Trung Quốc trong quý I/2023 lên tới 198 tấn, mức cao nhất kể từ quý I/2015 khi nước này dỡ bỏ chính sách hạn chế do dịch Covid-19 thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sau sự phá sản của hai ngân hàng khu vực cũng khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một công cụ bảo toàn nguồn vốn trong những thời kỳ bất ổn. Những người mua tại Mỹ đã mua 32 tấn vàng miếng và tiền xu, mức cao nhất trong bất kỳ quý nào kể từ năm 2010, do lo ngại về bất ổn trong ngành ngân hàng và kinh tế.
Xu hướng giá vàng: Ông John Reade, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của WGC cho rằng, giá vàng có tiếp tục tăng hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của đồng USD, thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất và việc giới đầu tư có nhận thấy những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng đang dịu xuống hay không.
Thị trường đang dự đoán xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 82% và xác suất ngân hàng này hạ lãi suất vào tháng 7 là 33%. Bên cạnh đó, những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng vỡ nợ của Mỹ cũng đang tác động đến đồng USD, sau khi cuộc họp được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các quan chức khác trong Quốc hội Mỹ mới đây đã không thể phá vỡ thế bế tắc trong việc nâng mức trần nợ 31.400 tỷ USD của nước này.
Giá kim loại quý có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi những nguy cơ liên quan đến khả năng vỡ nợ nói trên của Mỹ, yếu tố có thể lấn át bất cứ tác động tiêu cực nào từ những diễn biến lạm phát đối với giá vàng.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán về trần nợ công tại Mỹ.
Trước đó, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, một vụ vỡ nợ của Mỹ sẽ tạo ra một thảm họa kinh tế và tài chính. Sự vỡ nợ có thể sẽ tạo ra sự hoảng loạn ở thị trường chứng khoán khi cổ phiếu bị bán tháo. Vàng cũng có thể bị bán để bù lỗ cho các kênh đầu tư khác.
Mặc dù giá vàng giảm nhưng vẫn được đánh giá nằm trong xu hướng tăng trong dài hạn. Vàng cũng là tài sản trú bão an toàn. Nhiều tổ chức dự báo vàng sẽ còn tăng giá trong dài hạn. Ngân hàng ANZ dự báo vàng sẽ ở mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.200 USD vào nửa cuối năm sau.

Nguồn: Vinanet/VITIC