Giá vàng trong nước ổn định
Vào lúc 10h30 giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,35 triệu đồng/lượng - bán ra 66,95 triệu đồng/lượng (giữ nguyên so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Vietinbank Gold niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,35 triệu đồng/lượng - bán ra 66,97 triệu đồng/lượng (giữ nguyên cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,35 triệu đồng/lượng - bán ra 66,97 triệu đồng/lượng (giữ nguyên cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.914 – 1.916 USD/ounce
Trong phiên giao dịch sáng ngày 28/6, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.914 – 1.916 USD/ounce, giảm 10 – 12 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng đảo chiều và giảm trong phiên giao dịch ngày thứ 27/6 sau báo cáo kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, trong khi giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các dữ liệu khác để có thêm manh mối về tiến trình nâng lãi suất.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng trong tháng 6 lên mức cao nhất trong gần 1 năm rưỡi, trong khi doanh số bán nhà mới dành cho một gia đình tăng 12,2% so với dự kiến trong tháng 5.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết thị trường vàng không thích tin tức này vì dữ liệu kinh tế tốt hơn sẽ thúc đẩy kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed và điều đó cũng sẽ đẩy lợi suất tăng lên.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng, khiến tài sản không mang lãi suất như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Vàng tăng giá vào ngày 26/6 nhờ rủi ro từ cuộc binh biến ngắn hạn ở Nga. Nhưng đối với vàng, câu hỏi quan trọng hiện là mức độ căng thẳng nội bộ ở Nga hoặc bất kỳ khả năng lật đổ chính phủ nào có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ toàn cầu, các nhà phân tích của Commerzbank viết trong một lưu ý.
Vàng đã giảm khoảng 2,6% trong tháng này và trong đà xác lập tháng giảm thứ hai liên tiếp nếu vẫn giữ xu hướng này, do các thị trường đặt cược vào khả năng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn tại Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng và làm lu mờ vai trò trú ẩn an toàn truyền thống của kim loại quý ở một mức độ nào đó.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu sắp tới của ông Powell, cùng với một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng dự kiến được công bố vào ngày 29/6.
“Từ nay đến thứ Năm, bạn sẽ chứng kiến thị trường vàng đi ngang, giao dịch nhẹ, trừ khi có điều gì khác xảy ra”, ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures, cho hay.
Vấn đề lạm phát sẽ không biến mất khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nỗ lực kêu gọi tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh hứa hẹn ổn định giá cả. Thị trường vàng đang diễn biến không tốt với giá có nguy cơ giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce trong ngắn hạn, chiến lược gia thị trường cấp cao Edward Moya dự báo.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,1% lên 22,79 USD/ounce và xác lập tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 922,78 USD và giá palladium giảm 0,6% xuống 1.297,89 USD, theo Reuters.
Dự kiến trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và Mỹ sẽ công bố thống kê liên quan đến thước đo chính của lạm phát.
Xu hướng giá vàng: Chủ tịch Powell sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Sintra (Bồ Đào Nha) ngày 28/6. Bài phát biểu này có thể cung cấp thêm các tín hiệu về chính sách lãi suất của Mỹ cho các thị trường.
Các nhà đầu tư hiện đánh giá có tới 77% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng Bảy và sau đó Fed sẽ chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất kể từ năm 2024. Trước những biến động của nền kinh tế và hỗn loạn địa chính trị, giới chuyên gia dự đoán giá vàng nhiều khả năng sẽ giảm khoảng 47 USD/ounce và sẽ là tháng giao dịch tồi tệ nhất của vàng kể từ tháng 2/2023.