Đóng cửa ngày 6/8, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giảm giá mua bán vàng miếng 1-1,2 triệu đồng so với đỉnh cao lập được đầu giờ chiều, về 59,5–60,8 triệu đồng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng hạ giá mua bán vàng miếng 600.000-900.000 đồng một lượng so với đầu chiều, xuống 59,6 - 61,4 triệu đồng. Giá này cũng thấp hơn mức đỉnh gần một triệu đồng.
Trước đó, trong buổi sáng và nửa buổi chiều 6/8, giá vàng miếng SJC đã có sự đi lên "chóng mặt" với tốc độ tăng 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi lần điều chỉnh. Sau vài tiếng giao dịch, mỗi lượng vàng đã tăng gần 3 triệu đồng, vọt lên mức cao nhất mọi thời đại 62 triệu đồng một lượng lúc 15h. Sau đó, giá nhanh chóng quay đầu hạ nhiệt.

 Trên thị trường thế giới, giá vàng lúc 17h (giờ Việt Nam) được giao dịch quanh 2.047 USD một ounce, tương đương 57,4 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, thấp hơn 4 triệu đồng so với vàng miếng trong nước.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh (Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam) nhận định, tuy xuất hiện một vài nhịp giảm nhưng giá vàng sẽ tiếp tục đi lên và đạt mốc 85 triệu đồng trong 2-3 năm tới do tốc độ bơm tiền lớn chưa từng có của các ngân hàng trung ương.
Từ giữa tháng 4 năm nay, Bank of America (BofA) cũng đã ra báo cáo "Fed không thể in vàng" với dự báo giá vàng sẽ lên 3.000 USD một ounce chỉ trong 18 tháng tới.
"Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép. Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng", các nhà phân tích của BofA nhận định.

Nguồn: Quỳnh Trang / VnExpress