Theo Nikkei Asian Review, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng nắm giữ vàng, nâng tổng số vàng trong kho dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất trong vòng 31 năm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới - tổ chức nghiên cứu quốc tế về ngành công nghiệp vàng, trong thập kỷ qua, các ngân hàng trung ương dự trữ hơn 4.500 tấn vàng. Tính đến tháng 9, tổng dự trữ đạt khoảng 36.000 tấn, lớn nhất kể từ năm 1990 và tăng 15% so với một thập kỷ trước đó.
Giá trị của đồng USD đã sụt giảm mạnh so với vàng trong 10 năm qua. Nguyên nhân là các chính sách nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn đã thúc đẩy nguồn cung tiền của Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang bắt đầu thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục chuyển sang dự trữ vàng. Điều này cho thấy mối lo ngại lớn về hệ thống tiền tệ dựa trên đồng bạc xanh.
Tăng trữ vàng
“Vàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bất cứ nền kinh tế nào. Kim loại quý có thể chống chịu với những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu”, ông Adam Glapinski - Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) - giải thích với truyền thông địa phương về việc ngân hàng trung ương Ba Lan tăng tích trữ vàng.
NBP đã mua khoảng 100 tấn vàng trong năm 2017 và vẫn tiếp tục mua kim loại quý. Các nền kinh tế mới nổi cũng đẩy mạnh mua vàng. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, Thái Lan đã mua khoảng 90 tấn vàng. Còn Ấn Độ và Brazil mua lần lượt 70 và 60 tấn kim loại quý.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1 trên sàn New York, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.810 USD/ounce, giảm nhẹ 3,9 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.
Vàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bất cứ nền kinh tế nào. Kim loại quý có thể chống chịu với những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu
Ông Adam Glapinski, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ba Lan
Không giống trái phiếu Chính phủ Mỹ và những tài sản bằng đồng USD khác, vàng không có lãi suất. Nhưng ngân hàng trung ương Hungary đã tăng gấp 3 lần dự trữ vàng lên 90 tấn. Bởi kim loại quý không gặp rủi ro tín dụng và rủi ro đối tác (chủ nợ mất khả năng thanh toán).
Một số quốc gia đang cố gắng giảm phụ thuộc vào đồng USD. Gần đây, ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi - vốn có xu hướng hạ giá đồng tiền - đã tăng cường mua vàng.
Chẳng hạn, đối mặt với sự sụt giá liên tục của đồng tiền, Kazakhstan đã nâng tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối.
Các ngân hàng trung ương và tổ chức công bắt đầu tăng lượng vàng nắm giữ vào khoảng năm 2009. Trước đó, họ thường bán vàng để tăng lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ. Bởi lãi suất của những tài sản tính bằng đồng USD thường hấp dẫn đối với các quốc gia khác.
Giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo. Trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng không miễn nhiễm, điều đó khiến những tài sản tính bằng đồng bạc xanh sụt giá.
Nhà phân tích thị trường Itsuo Toyoshima cho biết niềm tin vào tài sản tính bằng đồng USD đã “giảm sút”.
Cuộc khủng hoảng kéo theo lãi suất lao dốc trong thời gian dài. Nguyên nhân là Washington nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn. Điều này khiến việc nắm giữ các tài sản tính bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn.
Theo nhà phân tích tài chính Koichiro Kamei, các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi, vốn có sức mạnh tín dụng yếu, đang “bảo vệ tài sản của họ bằng vàng”.
|
Trước đây, các ngân hàng trung ương thường bán vàng để tăng lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ. Ảnh: Reuters.
|
Giá vàng thế giới đã chạm mốc kỷ lục sau khi dịch Covid-19 làm suy yếu triển vọng của những nền kinh tế lớn trên khắp thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải nới lỏng những chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.
Trái với vàng, tỷ lệ đồng bạc xanh trong kho dự trữ ngoại hối đang giảm xuống. Một phần nguyên nhân là giá trị của đồng tiền đã giảm so với vàng.
Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố quyết định chấm dứt khả năng chuyển đổi của đồng USD sang vàng vào năm 1971, giá trị của đồng tiền này đã giảm xuống khoảng 10% so với mức cũ. Nguồn cung USD của Mỹ tăng khoảng 30 lần trong vòng 50 năm qua
Fed đã tuyên bố rõ ràng rằng cơ quan này sẽ chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ và dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022. Nhưng theo Nikkei Asian Review, ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi có khả năng tiếp tục chuyển từ dự trữ đồng USD sang vàng.