Tại thị trường nội địa, giá thép không có nhiều thay đổi. Cụ thể, theo SteelOnline.vn, ở khu vực miền Bắc, thép Hòa Phát giữ giá với thép cuộn CB240 ở mức 13.650 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.790 đồng/kg. Thép Việt Ý lần lượt ghi nhận mức giá 13.890 đồng/kg cho thép cuộn CB240 và 13.990 đồng/kg cho thép D10 CB300. Thép Việt Đức và Việt Sing duy trì mặt bằng giá lần lượt quanh mức 13.550 – 13.690 đồng/kg, còn thép VAS dao động ở mức 13.740 đồng/kg cho cả hai dòng sản phẩm CB240 và D10 CB300.
Tại miền Trung, giá thép tiếp tục ổn định. Thép Hòa Phát có mức giá 13.530 đồng/kg cho cả thép cuộn CB240 và thép D10 CB300. Trong khi đó, thép Việt Đức được bán với giá 14.050 đồng/kg cho CB240 và 14.000 đồng/kg cho D10 CB300. Thép VAS tại khu vực này cũng dao động quanh mức 13.740 – 13.790 đồng/kg.
Ở miền Nam, thị trường thép cũng không có biến động đáng kể. Thép Hòa Phát được giao dịch ở mức 13.790 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 13.740 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Thép VAS giữ giá tương tự như khu vực miền Trung với mức 13.740 đồng/kg cho CB240 và 13.840 đồng/kg cho D10 CB300.
Trên thị trường quốc tế, giá thép và nguyên liệu sản xuất thép lại ghi nhận biến động trái chiều. Tại sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá thép cây giao tháng 5/2026 giảm 17 Nhân dân tệ, xuống còn 3.340 Nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (DCE) – hợp đồng giao tháng 9 – giảm 0,49%, xuống còn 813 Nhân dân tệ/tấn, tương đương khoảng 113,49 USD/tấn. Trên sàn Singapore, giá quặng chuẩn tháng 8 cũng giảm 0,61%, còn 104,7 USD/tấn.
Nguyên nhân chính của đà giảm đến từ sự yếu kém kéo dài của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Mặc dù chính phủ nước này đã triển khai một loạt gói kích thích và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thị trường vẫn chưa phục hồi rõ rệt. Các khoản vay bất động sản chưa thanh toán đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm vào tháng 6. Đầu tư bất động sản trong nửa đầu năm sụt giảm, trong khi giá nhà mới trong tháng 6 ghi nhận mức giảm theo tháng mạnh nhất trong tám tháng qua.
Tuy vậy, các chuyên gia từ ANZ cho rằng kế hoạch xây dựng dự án thủy điện trị giá 170 tỷ USD tại Tây Tạng có thể tạo cú hích đáng kể cho ngành thép và bê tông. Dự án này được dự báo có chi phí vượt xa cả dự án đập Tam Hiệp, mở ra triển vọng tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, Nhật Bản đã khởi động điều tra chống bán phá giá đối với thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. Các dữ liệu cho thấy mặt hàng này đang được bán tại thị trường Nhật với mức giá thấp hơn 20 – 50% so với giá nội địa tại Trung Quốc, khiến các nhà sản xuất thép Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì biên lợi nhuận giữa lúc chi phí đầu vào tăng cao.
Dù giá quặng sắt giảm mạnh, một số nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên lại tăng. Giá than luyện kim tăng 9,24%, trong khi giá than cốc tăng 2,22%. Tuy nhiên, phần lớn các chỉ số thép trên sàn SHFE vẫn theo xu hướng giảm. Thép cuộn cán nóng giảm 0,15%, thép dây giảm 2,48%, trong khi thép không gỉ chỉ tăng nhẹ 0,04% và thép cây giữ nguyên mức giá giao dịch.