Theo hãng tin CNBC, Bitcoin còn phải đối mặt một số trở ngại lớn trong thời gian tới. Những người ủng hộ Bitcoin có vẻ đang giữ ở thời điểm này, nhưng nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự biến động chóng mặt của thị trường tiền ảo và nguy cơ ảnh hưởng đến danh mục của họ.
Dưới đây là 5 rủi ro lớn nhất đối với Bitcoin trong nửa sau của năm 2021:
QUY CHẾ GIÁM SÁT
Trong số những rủi ro đối với Bitcoin hiện nay, vấn đề đầu tiên phải kể đến là quy chế giám sát.
Gần đây, Trung Quốc mạnh tay siết chặt kiểm soát đối với ngành công nghiệp tiền ảo ở nước này: cấm hoạt động đào tiền ảo và yêu cầu các ngân hàng, công ty thanh toán như Alipay không giao dịch với các công ty tiền ảo. Nước Anh cũng ra tay với tiền ảo, cấm sàn giao dịch tiền ảo Binance có những hoạt động hay dịch vụ nằm ngoài sự điều tiết của luật pháp nước này.
Theo ông Simon Yu, CEO của startup tiền ảo StormX, những động thái của Trung Quốc nên được nhìn nhận là một điều “tích cực” đối với Bitcoin và các tiền ảo khác như Ether vì sẽ dẫn tới mức độ phi tập trung hoá cao hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng “sự điều tiết thái quá” đối với tiền ảo ở Mỹ có thể là một vấn đề.
“Mỹ có quá nhiều bộ ngành điều tiết tiền ảo từ nhiều góc độ khác nhau – tiền ảo là một chứng khoán? Một hàng hoá? Một vật sở hữu?” ông Yu nói. “Lúc này, Mỹ chưa xác định được làm thế nào để điều tiết hợp lý ngành công nghiệp tiền ảo. Điều này thường dẫn đến những quyết định gây khó khăn cho sự vận hành của ngành”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác của Mỹ gần đây đã cảnh báo về việc sử dụng tiền ảo cho các giao dịch phi pháp.
Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống khi đó là Donald Trump đề xuất quy định chống rửa tiền yêu cầu nhà đầu tư phải giữ tiền ảo trong một ví điện tử riêng tư để trải qua kiểm tra nhận diện nếu họ thực hiện các giao dịch có giá trị từ 3.000 USD trở lên.
“Từ lâu chúng tôi đã cảnh báo rằng sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư hay sự siết chặt kiểm soát của cơ quan chức năng sẽ khiến thị trường tiền ảo suy sụp”, ngân hàng UBS nhận định trong một báo cáo mới đây.
SỰ BIẾN ĐỘNG
Một rủi ro lớn khác là biến động cực đoan và thường xuyên xảy ra của giá Bitcoin và các tiền ảo khác. Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 64.829 USD trong tháng 4, vào ngày mà cổ phiếu sàn tiền ảo Coinbase có màn chào sàn rực rỡ, giá Bitcoin đã lao dốc về 28.911 USD vào tháng 6. Gần đây, giá Bitcoin dao động trong khoảng 33.000-34.000 USD.
Những người ủng hộ xem Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số” – một tài sản không chịu sự ảnh hưởng của các thị trường khác và có thể mang lại mức lợi nhuận siêu khủng ở những thời điểm kinh tế biến động. Biến động là tốt khi giá một tài sản tăng, vấn đề là giá Bitcoin có thể tăng mạnh và cũng có thể giảm mạnh không kém.
Nếu mua Bitcoin vào tháng 1 và bán vào tháng 4, nhà đầu tư lãi gấp đôi. Nếu giữ đến hiện tại, mức lãi là khoảng 18%, ngang với mức tăng của chỉ số S&P 500 trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, giá Bitcoin đã tăng gấp hơn 3 lần.
“Nguồn cung hạn chế và hầu như không có độ co giãn của một số tiền ảo có thể làm gia tăng mức độ biến động của thị trường”, báo cáo của UBS nhận định. “Công dụng hạn chế trong thế giới thực và biến động cực mạnh của tiền ảo cũng cho thấy nhiều người mua tiền ảo chẳng qua nhằm mục đích đầu cơ”.
Năm nay, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay dùng đòn bẩy tài chính để mua Bitcoin và không ít người trong số họ đã rơi vào tình trạng cháy tài khoản. Điều này khiến giá Bitcoin biến động càng mạnh hơn.
Mức độ lên xuống “kinh hoàng” của thị trường tiền ảo có thể khiến một số nhà đầu tư ngần ngại – theo Giám đốc tài chính Ross Middleton của nền tảng tài chính phi tập trung DeversiFi – nhận định. Tuy nhiên, ông Middleton cho rằng sự biến động đó không phải là một rào cản đối với việc các định chế tài chính chấp nhận Bitcoin.
Biến động “thực ra có thể là một sức hút quan trọng, vì sóng lớn đồng nghĩa các quỹ đầu tư có thể đạt được mức lợi nhuận lớn mà chỉ cần phân bổ một lượng vốn tương đối nhỏ so với quy mô toàn bộ danh mục”, ông Middleton nói với CNBC.
Theo vị chuyên gia này, giá Bitcoin càng giằng co lâu trong vùng 30.000-40.000 USD, thì điều đó càng chứng tỏ tiền ảo này đang xây một nền móng và dòng vốn mới sẽ càng sớm chảy vào Bitcoin và thị trường tiền ảo nói chung.
MỐI LO VỀ MÔI TRƯỜNG
Những câu hỏi xung quanh ảnh hưởng của Bitcoin đối với môi trường có thể là một trở ngại lớn khác đối với tiền ảo này. Những dàn máy đào Bitcoin tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. Tổng mức tiêu thụ điện năng của các mỏ Bitcoin cũng tăng lên qua các năm, cùng với đà tăng của giá Bitcoin.
Các nhà phê bình Bitcoin từ lâu đã cảnh báo về dấu ấn carbon rất lớn của tiền ảo này, và năm nay, CEO Elon Musk của Tesla lại khơi dậy vấn đề. Tesla đã có hai động thái góp phần đưa giá Bitcoin lên mức cao kỷ lục: mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán khi khách hàng mua xe. Nhưng sau đó, chính ông Musk lại khiến giá Bitcoin lao dốc chóng mặt khi ra quyết định thôi chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán, với lý do việc đào Bitcoin tiêu thụ quá nhiều năng lượng hoá thạch.
Những diễn biến này đặt ra trở ngại đối với các nhà quản lý tài sản vốn dĩ đã chịu áp lực ngày càng lớn về hạn chế đầu tư vào những tài sản bị cho là có vấn đề về đạo đức.
“Ít nhất, một số nhà đầu tư sẽ không mua Bitcoin vì lý do như vậy”, một báo cáo của Citibank có đoạn viết. Theo báo cáo này, mối lo đó cũng có thể “thúc đẩy sự can thiệp của chính phủ nhằm cấm đào Bitcoin, như đã xảy ra ở Trung Quốc”.
SỰ GIÁM SÁT NHẰM VÀO STABLECOIN
Stablecoin là những tiền ảo được neo buộc giá trị vào tài sản thực, chẳng hạn đồng USD. Hiện nay, stablecoin cũng đang đối mặt với sự giám sát gia tăng của cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia.
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, nói rằng Tether – một stablecoin và là đồng tiền ảo lớn thứ ba thế giới – là một rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Nhà phát hành Tether nói rằng stablecoin này được đảm bảo với tỷ lệ 1 Tether: 1 USD và số USD đó nằm trong một dự trữ. Các nhà đầu tư tiền ảo thường dùng Tether để mua tiền ảo khác, thay cho dùng USD. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng nhà phát hành không có đủ dự trữ USD để đảm bảo mối neo buộc này.
Hồi tháng 5, công ty phát hành Tether công bố dự trữ đảm bảo của đồng stablecoin, trong đó có 76% là tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Tuy nhiên, chưa đầy 4% trong số này là tiền mặt thực sự. 65% dự trữ là thương phiếu, một dạng nợ ngắn hạn.
“Tether là một vấn đề lớn”, giáo sư tài chính Carol Alexander thuộc Đại học Sussex nói với CNBC. “Cơ quan chức năng có vẻ chưa thể ngăn chặn được điều đó. Các nhà giao dịch cần Tether để mở tài khoản và mua bán tiền ảo. Hầu hếu các nhà giao dịch lớn đều đặt ở Mỹ, nên Tether được xem như lựa chọn hiển nhiên”.
NHỮNG ĐỒNG “MEME COIN” VÀ CÁC VỤ GIAN LẬN
Mức độ đầu cơ ngày càng lớn trên thị trường tiền ảo có thể là một rủi ro khác đối với Bitcoin
Dogecoin, một đồng tiền ảo được phát hành như một trò đùa và được gọi là một “meme coin”, đã bất ngờ tăng giá chóng mặt trong năm nay, liên tiếp lập kỷ lục và thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân nhảy vào thị trường tiền ảo với mong muốn kiếm lời nhanh.
Có thời điểm, vốn hoá thị trường của Dogecoin lớn hơn cả hãng xe Ford và nhiều công ty tên tuổi khác của Mỹ, một phần không nhỏ nhờ vào sự hậu thuẫn của những nhân vật nổi tiếng như Musk. Nhưng sau đó, giá trị vốn hoá của Dogecoin đã tuột dốc không phanh.
Ở một góc khác của thị trường tiền ảo, một đồng khác là Titan sụt giá về 0. Trước đó, tỷ phú tự thân Mark Cuban là một trong những nhà đầu tư rót vốn vào tiền ảo này.
“Một lo ngại khác là những vụ gian lận xảy ra hết lần này đến lần khác trong năm”, ông Yu của StormX nói. “Ở một số đồng ‘meme coin’ nhất định, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt động ‘bơm thổi’ và chứng kiến nhà đầu tư cá nhân hứng chịu thiệt hại. Bất cứ khi nào nhà đầu tư cá nhân thiệt hại, chính phủ lại vào cuộc. Và nếu mọi thứ bị điều tiết thái quá, như việc phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) bị cấm, thì toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Nguồn: An Huy / Vneconomy