Theo ADB, sự bùng phát của dịch bệnh đã leo thang lên một giai đoạn mới vào tháng 3, tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam như: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Do đó, dịch bệnh có thể tác động nghiêm trọng đến Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tăng trưởng đã giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020 so với mức 6,8% của cùng kỳ năm 2019.
Đơn cử, về phía cầu, việc hạn chế đi lại đã kìm hãm tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong quý I/2020. Tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm còn 4,7% trong quý I, so với 12,0% cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký và giải ngân vốn FDI giảm lần lượt 23,6% và 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tăng trưởng XK được dự báo sẽ giảm xuống 5,3% trong năm 2020, tăng trưởng NK giảm còn 4,7%.
Về phía cung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất trong tháng 1 và tháng 2 năm 2020, chủ yếu dựa vào nguyên liệu tồn kho, tuy nhiên nguồn này cũng đang cạn dần do chuỗi cung ứng bị gián đoạn kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức 6,2% so với mức 9,2% cùng kỳ năm trước.
Về lạm phát, ADB cho biết, lạm phát trong tháng 3 giảm 0,7% so với tháng 2, so với mức giảm 0,2% lạm phát theo tháng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lạm phát bình quân trong quý I/2020 lại tăng lên 5,6%, mức cao nhất của cùng kỳ trong suốt giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế và giá thịt lợn đều tăng, trong đó giá thịt lợn tăng kéo theo việc tăng giá của các loại thịt thay thế.
Trong cả năm 2020, lạm phát bình quân dự kiến sẽ ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% vào năm 2021. Nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn dự báo hiện nay và đặc biệt là nếu giá thịt lợn vẫn tiếp tục cao thì áp lực lạm phát có thể gia tăng.
Tuy nhiên, ADB cho rằng nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn.