Thống kê từ CNN cho thấy, Bitcoin đã mất khoảng 36% giá trị trong tháng 5 này. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2011. Hiện Bitcoin đang đang được giao dịch ở mức hơn 35.700 USD - thua xa mức kỷ lục hơn 64.000 USD được đồng tiền số này thiết lập hồi tháng 4 vừa qua.
“Trở thành một nhà đầu tư tiền số thực sự dễ dàng. Đó là một thị trường biến động rất cao và nó có thể đè bẹp bạn một cách dễ dàng”, Peter Smith, Giám đốc điều hành của trang blockchain.com nhận định.
Những lần “bẻ lái” liên tục của Elon Musk được xem là một trong những lý do khiến Bitcoin lao dốc mạnh.
Hồi tháng 2, Tesla tiết lộ đã bỏ ra số tiền 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin và sẽ chấp nhận đồng tiền này như một hình thức thanh toán chính thức. Công ty sau đó đã ghi nhận khoản lãi ròng 101 triệu USD từ việc bán Bitcoin trong quý, qua đó giúp tăng lợi nhuận ròng của Tesla chạm mức kỷ lục trong quý đầu tiên.
|
Nhà đầu tư mất dần niềm tin vào Bitcoin sau nhưng lần "bẻ lại" của Elon Musk
|
Tuy nhiên, đầu tháng này, Musk đã "trở mặt" với bitcoin khi đăng dòng tweet vào ngày 12/5 rằng Tesla "tạm ngừng mua xe" bằng bitcoin, do lo ngại "việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gia tăng nhanh chóng" để khai thác đồng tiền này. Pha "lật kèo" này của Elon Musk đã thổi bay 300 tỷ USD giá trị vốn hóa của Bitcoin.
Elon Musk tiếp tục gây sốc khi ám chỉ đã bán sạch Bitcoin, sau đó lại khẳng định chưa bán bất cứ đồng nào. Những động thái này ảnh hưởng tiêu cực đến giá cũng như niềm tin của các nhà đầu tư với Bitcoin.
Bên cạnh đó, những động thái mạnh tay từ Chính phủ Trung Quốc và Mỹ cũng là nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư bán tháo Bitcoin.
Hôm 19/5, Reuters cho biết Trung Quốc ra quyết định cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp những dịch vụ liên quan tới giao dịch tiền số. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đưa ra lời cảnh báo tới các nhà đầu tư về hiện tượng giao dịch đầu cơ tiền số.
Theo lệnh cấm, các tổ chức như ngân hàng, kênh thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc không được phép cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan tới tiền số, chẳng hạn như đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán…
Ít ngày sau đó, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Liu He, trong cuộc họp của Ủy ban Bình ổn và phát triển Tài chính thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông báo sẽ cấm đào và giao dịch Bitcoin.
Cùng với đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV nhấn mạnh Bitcoin không còn là một công cụ đầu tư để tránh rủi ro. Thay vào đó, nó là một công cụ đầu cơ.
|
Trung Quốc cấm đào và giao dịch Bitcoin
|
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng có những động thái cứng rắn với thị trường tiền số. Cuối tuần trước, theo CNBC, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đang thực hiện các bước để siết chặt thị trường cũng như các giao dịch tiền số, trong đó nhấn mạnh bất kỳ giao dịch tiền số nào trị giá từ 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo với Sở Thuế vụ Mỹ (IRS).
“Tiền số đang đặt ra một vấn đề nghiêm trọng đó là tạo điều kiện cho những hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế”, Bộ Tài chính Mỹ nói.
Theo quy định mới, các tài khoản giao dịch tiền mã hoá, tài sản điện tử, cũng như tài khoản dịch vụ thanh toán chấp nhận tiền mã hoá sẽ được quản lý. Cũng như các giao dịch tiền mặt, những doanh nghiệp nhận tài sản điện tử có giá trị trên thị trường hơn 10.000 USD cũng sẽ được báo cáo lên cơ quan thuế.
Cùng với Bộ Tài chính, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cũng lên tiếng khẳng định một đồng tiền số phải đại diện cho đồng USD chứ không phải thay thế tiền truyền thống.