Xuất nhập khẩu tăng nhẹ
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản xuất, XK của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn, nhưng tình hình xuất nhập khẩu (XNK) 2 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định. Kim ngạch xuất và nhập khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ, đều ở mức 2,4%; nhập siêu không đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, với khoảng 176 triệu USD. Với tình hình dịch bệnh lan nhanh tại các quốc gia vốn là thị trường lớn của Việt Nam,việc ổn định được tình hình XNK là nỗ lực trong triển khai các giải pháp nhanh của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác, nhất là trong việc giảm thuế, phí cho DN, giải phóng nhanh hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển…
Dù vậy theo Bộ Công Thương, nếu đánh giá ở phạm vi hẹp, có thể thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến một số ngành XK chủ lực của Việt Nam, trong đó nhóm hàng nông - thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ. Kim ngạch XK của nhóm hàng này trong tháng 2 đã giảm tới 15,1% so với tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 8/9 mặt hàng trong nhóm nông - thủy sản có kim ngạch XK giảm so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến trong quý I, XK nông - thủy sản qua thị trường Trung Quốc có thể giảm tới 12 - 13% so với cùng thời điểm 2019. Bên cạnh đó, hiện trạng của một số ngành như dệt may, da giày, sắt… cũng không mấy khả quan, kim ngạch XK của một số loại hàng hóa thế mạnh được ghi nhận có sự sụt giảm, như: Hàng dệt và may mặc giảm 1,7%; xơ, sợi dệt các loại, giảm 16,5%; sắt thép các loại, giảm 33,9%; sản phẩm từ sắt thép, giảm 7,9%...
Khơi thông "điểm nghẽn"
Thực tế, mỗi ngành hàng với đặc trưng khác nhau sẽ có những vấn đề tồn tại cần giải pháp tháo gỡ khác nhau, thậm chí cần cả một chiến lược dài hơi để có thể tự tin đứng vững trước biến động thị trường. Tuy vậy, ở thời điểm trước mắt, để khơi thông XK, ngăn chặn từ xa nguy cơ mất cân đối XNK, tùy vào từng ngành hàng cụ thể, Bộ Công Thương đã nhanh chóng bắt tay triển khai những giải pháp. Theo đó,với nhóm ngành hàng nông - thủy sản, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản", nhằm đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho ngành nông sản; phối hợp và hỗ trợ các địa phương tìm thị trường XK cho sản phẩm nông-thủy sản và các mặt hàng chế biến, chế tạo; có biện pháp kiểm soát lượng cung và chỉ tiến hành sản xuất hướng đến thị trường Trung Quốc nếu có đơn hàng và hướng tiêu thụ cụ thể…
Với các nhóm ngành khác, Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng tổ chức khảo sát thực tế tại DN, làm việc với hiệp hội ngành hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất; tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng về thủ tục XNK hàng hóa… Đặc biệt, xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông XNK với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế cho hàng hóa XK của Việt Nam…
Về lâu dài, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể về hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ thúc đẩy XK cho từng lĩnh vực, từng khu vực thị trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng XK của cả năm 2020. Chỉ đạo các cơ quan thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động XNK. Bước đầu, một số thương vụ đã trở thành cầu nối cung cấp, kết nối thông tin về các DN nước ngoài có khả năng cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế để phối hợp với DN Việt Nam sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường, rào cản hiện có, đề xuất kế hoạch hành động trước những diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 và thương mại quốc tế có thể tác động đến các thị trường XK của Việt Nam.
2 tháng đầu năm 2020, XK của khối DN trong nước là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.