Châu Á vẫn duy trì được tốc độ hội nhập kinh tế bất chấp dịch COVID-19 gây tác động nặng nề. Đánh giá này nằm trong báo cáo được Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 20/4.
Châu Á vẫn duy trì được tốc độ hội nhập kinh tế bất chấp dịch COVID-19 gây tác động nặng nề. Đánh giá này nằm trong báo cáo được Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 20/4.
Báo cáo mang tựa đề “ Triển vọng kinh tế và Quá trình hội nhập của châu Á” dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết châu Á vẫn đang trong quá trình phục hồi kinh tế và dự kiến tăng trưởng khoảng 5,2% năm 2022, thấp hơn 1,2% so với mức của năm 2021.
Báo cáo cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2022 như đại dịch COVID-19, nợ công và nguồn cung các sản phẩm thiết yếu.
Về triển vọng kinh tế của châu Á, báo cáo nhấn mạnh khu vực đang tạo động lực mới cho việc xây dựng các quy định kinh tế và thương mại trên thế giới.
Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nền kinh tế châu Á vượt trội so với mức trung bình toàn cầu vào năm 2020, cho thấy chuỗi sản xuất khu vực không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Diễn đàn thường niên châu Á Bác Ngao 2022 diễn ra trong 3 ngày (20-22/4), tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với chủ đề “Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung.”
Với hơn 30 diễn đàn phụ và các hoạt động, diễn đàn thảo luận các vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất hiện nay là phục hồi kinh tế thế giới và phát triển bền vững sau đại dịch.
Tham dự diễn đàn lần này có hơn 300 khách mời là lãnh đạo nhiều quốc gia trong khu vực, chính khách, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các chuyên gia học giả, các doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Diễn đàn này do 25 nước châu Á và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á./.
 

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)