Trong những năm gần đây, hàng trăm chuyên gia y tế đã cảnh báo về khả năng các đại dịch tiềm tàng sẽ dần xuất hiện và đe dọa thế giới. Năm 2018, tạp chí Atlantic đã từng đăng một bài viết nói rằng, Mỹ không sẵn sàng cho một đại dịch. Tháng 10/2019, các chuyên gia của Trung tâm Y tế Johns Hopkins cũng đã đưa ra lập luận về việc, nếu một loại virus corona mới quét toàn cầu thì điều gì sẽ xảy ra?

“Virus SARS-CoV-2 sẽ là bài toán kiểm tra khả năng ngăn chặn dịch bệnh của những hệ thống y tế được coi là được trang bị tốt nhất về mọi mặt". (Nahid Bhadelia, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Boston)

Và rồi, giả thuyết đã trở thành hiện thực. Ba tháng trước, một chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) chưa từng được biết tới bỗng dưng xuất hiện, lây lan hầu hết ra các quốc gia và khiến hơn 1.700.000 người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Tưởng chừng, một nước Mỹ giàu có và mạnh mẽ sẽ là nơi sẵn sàng chống dịch bệnh tốt nhất, thế nhưng mọi thứ đã diễn ra theo chiều ngược lại. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo trước đó, nhưng khi đại dịch đến Mỹ, đất nước này vẫn "thất thủ" và giờ đây trở thành “ổ dịch” lớn nhất thế giới. Virus chết người này cũng làm đảo lộn mọi thứ trong xã hội Mỹ.
Thiếu sự chuẩn bị cần thiết
Dễ lan truyền và dễ gây tử vong hơn cúm mùa, có thể nhanh chóng truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Đó là các dấu hiệu cho thấy SARS-CoV-2 là một trong những loại virus nguy hiểm nhất hiện nay.
Vì vậy để phát hiện và ngăn chặn được căn bệnh này, các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã tự phát triển các bộ kit xét nghiệm Covid-19 riêng, sau đó là cách ly và điều tra dịch tễ bệnh nhân. Những giải pháp này đã phần nào góp phần mang lại hiệu quả trong ngăn chặn đại dịch.
Thế nhưng, việc cường quốc y sinh học như Mỹ lại chậm bước trong việc hoàn thành thứ tưởng chừng như là rất đơn giản và cần thiết để chống lại "địch thủ" mang tên Covid-19 là một điều không thể tưởng tượng được.
Số lượng các ca nhiễm tại Mỹ, tính đến ngày 11/4. (Nguồn: New York Times)
Không những vậy, hồi tháng 2, theo Atlantic, bộ kit của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ lại dẫn đến kết quả xét nghiệm Covid-19 không chính xác. Tiếp đó, những bộ kit của các phòng thí nghiệm độc lập lại bị vướng câu chuyện pháp lý với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Mãi đến nửa cuối tháng 3, FDA mới cấp phép cho một vài bộ kit của các hãng như Bodysphere, Abbott Laboratories, Cepheid...
Đây mới chỉ là bước đầu cho sự thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở Mỹ. Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe đã hoạt động gần hết công suất trong mùa dịch cúm mùa vào những tháng trước. Các thiết bị y tế cơ bản như khẩu trang, đồ bảo hộ và găng tay gần như không còn. Các trang thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân như giường, máy thở oxy cũng gần như được sử dụng hết công suất.
Ngoài ra, năm 2018, văn phòng chuyên xử lý đại dịch của Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị giải tỏa. Do đó, Nhà Trắng đã thiếu đi những chuyên môn khoa học cần thiết để chuẩn bị cho đại dịch.
Ngày 28/1, Luciana Borio, một thành viên của văn phòng trên đã thúc giục Chính phủ phải lập tức có những hành động để ngăn chặn dịch bệnh tại Mỹ, đặc biệt là Chính phủ Mỹ cần phải hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, do văn phòng này đã bị đóng cửa, những cảnh báo này chỉ được đăng trên tờ Wall Street Journal, chứ không đến được Tổng thống Donald Trump. Do đó, thay vì hành động, Mỹ lại ngồi im.
Kịch bản những tháng tiếp theo
Chính vì bị tụt lại phía sau, Mỹ sẽ gặp khó để đuổi kịp với phần còn lại của thế giới trong công cuộc phòng chống Covid-19. Theo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, nếu Mỹ không kiểm soát được dịch, các bệnh viện sẽ quá tải bệnh nhân, giống như những gì đã xảy ra tại Italy và Tây Ban Nha và vào cuối mùa Hè, đại dịch sẽ làm 2,2 triệu người Mỹ tử vong.
Giờ đây, thứ Mỹ cần nhất chính là đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế cơ bản như giường chăm sóc đặc biệt (ICU), máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang... Sự thiếu hụt này là bởi vì Mỹ mua thiết bị y tế theo đơn đặt hàng trong nước và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế hiện đang bị gián đoạn. Tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc (nơi có tâm dịch Vũ Hán) cũng là một trung tâm sản xuất khẩu trang y tế của thế giới.
Tổng thống Trump mới đây cũng đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, khiến Mỹ đã chính thức "bật chế độ thời chiến" và bắt buộc các nhà sản xuất Mỹ chuyển sang chế tạo thiết bị y tế.
Quảng trường Thời đại, niềm tự hào của New York vắng vẻ không một bóng người. (Nguồn: Getty)
Tiếp theo, Mỹ cần tiếp tục triển khai chế tạo các bộ xét nghiệm Covid-19. FDA hiện đang nhanh chóng kiểm tra và phê duyệt các bộ xét nghiệm do các phòng thí nghiệm tư nhân sáng chế.
Vào ngày 6/3, Tổng thống Trump đã nói rằng, bất cứ người Mỹ nào muốn thì đều sẽ được xét nghiệm Covid-19. Nhưng sau đó, những người dưới quyền của ông đã sửa lại. “Dù vậy, vẫn có rất nhiều người lo lắng đi đến các bệnh viện để xét nghiệm mặc dù không có triệu chứng. Điều này đã khiến hệ thống y tế tiếp tục bị quá tải”, ông Saskia Popescu thuộc Đại học George Mason cho biết.
Theo Giáo sư Marc Lipsitch của Đại học Harvard, việc kiểm tra sức khỏe đối với các nhân viên y tế và các bệnh nhân đã nhập viện nên đặt làm ưu tiên. Như vậy, khi nào cuộc khủng hoảng dần lắng xuống, đó mới là lúc nên thực hiện các xét nghiệm rộng rãi.
Ngoài ra, những biện pháp mạnh mẽ như giãn cách xã hội đã giúp cho số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ có phần thuyên giảm. Ngày 10/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, những tuần trước, số ca nhập viện tăng trung bình khoảng 30% mỗi ngày nhưng tuần này mức tăng đã thấp ở mức dưới 10% và nếu con số này tiếp tục giảm trong những tuần tới có thể là một dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch sắp qua.

Theo một phân tích gần đây của Đại học Pennsylvania, ngay cả khi biện pháp cách ly xã hội có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tới 95%, vẫn còn 960.000 người Mỹ cần được chăm sóc đặc biệt. Nhưng Mỹ hiện chỉ có 180.000 máy thở và chỉ đủ chăm sóc an toàn cho 100.000 bệnh nhân.

Với đà này, Mỹ có thể sẽ tránh khỏi kịch bản tồi tệ nhất, hay chí ít là đưa đại dịch Covid-19 vào tầm kiểm soát. Không ai biết được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn một điều rằng nó sẽ không kết thúc nhanh chóng.
Ngày 6/4, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm liên bang Mỹ Anthony Fauci cho biết: “Khi số ca lây nhiễm virus trên toàn cầu giảm xuống thấp đáng kể thì khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh vẫn còn. Virus không bị xóa sổ hoàn toàn khỏi Trái Đất và đợt bùng phát thứ 2 của Covid-19 có thể xuất hiện vào mùa tới”.
Theo chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, khả năng hồi sinh của virus là lý do tại sao chính phủ liên bang đang nỗ lực chuẩn bị cần thiết, trong đó có việc phát triển vaccine và hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng về các can thiệp trị liệu.
(còn tiếp)

Nguồn: Quang Hải/Baoquocte.vn