Đáng chú ý, đồng tiền điện tử Ethereum hôm nay tăng mạnh hơn 5% lên 2.523 USD, mặc dù vẫn thấp hơn 40% so với mức cao kỷ lục trên 4.300 USD hồi đầu tháng 5.
Đồng Bitcoin mấy phiên gần đây ít biến động, tính từ đầu tháng đến nay đã giảm hơn 35% do áp lực ngày càng tăng liên quan đến tính pháp lý của đồng tiền này.
Mức giá hiện tại của BTC chỉ bằng một nửa so với mức cao kỷ lục 65.000 USD hồi tháng 4.
|
Giá bitcoin 24 giờ qua (đến 18h) |
Trong bối cảnh hiện tại, có nhiều dự báo trái chiều về xu hướng tương lai của BTC.
Nhà phân tích Dave the Wave, người dự đoán chính xác sự sụp đổ của Bitcoin từ mức 60.000 USD, cho rằng đợt giảm hiện tại chỉ là điều chỉnh và BTC sau đó sẽ trở lại xu hướng tăng giá vào quý 3 năm nay.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo không loại trừ khả năng BTC sẽ giảm xuống mức đáy 20.000 USD trước khi hồi phục trở lại.
Đà giảm mạnh của Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến toàn bộ vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đi xuống. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đến 30/5 chỉ còn 1,440 tỷ USD, giảm 8,14% so với phiên liền trước.
Thị trường tiền kỹ thuật số đã biến động mạnh từ tuần trước và hiện vẫn tiếp tục trồi sụt.
Ngày 19/5, giá của Bitcoin có lúc tụt xuống 29.000 USD, mức giá bán thấp nhất của Bitcoin kể từ đầu năm nay. Sự mất giá sâu này xuất phát từ hàng từ hàng loạt thông tin bất lợi với giới đầu tư. Sự hỗn loạn của thị trường tiền mã hóa bắt đầu sau khi CEO Tesla Elon Musk thông báo sẽ dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại về môi trường. CEO Tesla còn úp mở trên Twitter về việc có thể sẽ bán hết số lượng Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD đã mua trước đó.
Tiếp theo là thông tin Trung Quốc kêu gọi siết chặt quy định đối với tiền mã hóa. Ngay sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt lệnh cấm với hoạt động khai thác Bitcoin, nhiều công ty, xưởng khai thác quy mô lớn đã tháo chạy khỏi nước này để chuyển đến Mỹ và Canada.
Làn sóng siết chặt quản lý tiền mã hóa đang lan rộng ở nhiều nước. Mỹ cũng có những động thái thắt chặt kiểm soát với tiền điện tử. Mới đây, trả lời câu hỏi của Uỷ ban Dịch vụ Tài chính tại Hạ viện Mỹ về Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan, cho biết: "Lời khuyên của tôi dành cho mọi người là: Hãy tránh xa nó (tiền số)". Ông Jamie Dimon cũng khẳng định tiền số không thể so sánh với tiền pháp định (fiat currency) hay vàng được.
Mới đây, Iran cũng đã quyết định cấm đào Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác tại nước này.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda hôm 27/5 cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số. "Đa số giao dịch là đầu cơ và có tính biến động rất cao. Chúng hầu như không được sử dụng như một công cụ thanh toán", ông Kuroda khẳng định.
Sự bất ổn của giá Bitcoin khiến cho nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới tỏ ra thận trọng. CEO của HSBC mới đây tuyên bố không có kế hoạch hỗ trợ giao dịch bằng Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác.
Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao Ipek Ozkardeskaya của Swissquote nhận định: "Nhìn vào sự bất ổn trên thị trường tiền mã hóa, chúng ta sẽ chứng kiến những ngày cuối tuần biến động dữ dội của Bitcoin và các loại tiền số khác". Theo bà Ipek Ozkardeskaya, ngưỡng 30.000 USD/đồng là cột mốc quan trọng với đồng Bitcoin. Nếu Bitcoin mất ngưỡng đó, đà giảm sẽ mở rộng hơn.