Trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã triển khai thực hiện trên 2.732 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 30,87%, khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 26,99%, khoa học xã hội chiếm 18,02%...
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển và tăng trưởng khá, khẳng định được giá trị của nhiều nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2021-2030, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.
Đặc biệt, ngành chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Hợp tác thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, sắp xếp lại các chương trình quốc gia và đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia để đạt hiệu quả nhất, thuận lợi nhất.
Đối với các nhiệm vụ địa phương phải đánh giá để đề xuất cách triển khai mới nhằm tăng hiệu quả; khai thác kết quả những dự án hiện có để ứng dụng cho địa phương thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tại lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới diễn ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, những thành tựu khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp đã đóng góp chung vào thành tựu của ngành khoa học và công nghệ, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung.
Thời gian qua, khoa học và công nghệ được ứng dụng trong ngành nông nghiệp, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp đã góp phần đổi mới và đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong nội dung Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn nhiều dư địa để phát triển và đóng góp nhiều hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Đây là nội dung chính để hai Bộ tiếp tục đồng hành cùng xây dựng các nội dung phối hợp triển khai cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, hai Bộ đã phối hợp, xây dựng nhiều chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ đặc thù phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thông qua hợp tác, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động, ứng dụng BigData, IoT, AI trong quản lý và chăm sóc cây trồng, tưới tiết kiệm nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hai Bộ phối hợp trong xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi với nội dung về khai thác bảo hộ giống cây trồng vật nuôi đã dần phát huy hiệu quả.
Đây cũng là lĩnh vực hai Bộ có thể tiếp tục phối hợp trong giai đoạn 2021-2030 đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên các thị trường quốc tế.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hai bên có thể phối hợp để xác định những định hướng nghiên cứu dài hạn phục vụ phát triển theo chuỗi sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành như: giống cây trồng, vật nuôi, chế biến nông, lâm, thủy hải sản… thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm tạo ra các sản phẩm được người dân, doanh nghiệp trong nước chấp nhận và xuất khẩu ra thị trưởng quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng việc hợp tác giữa hai Bộ sẽ đưa công tác nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp lên một tầm cao mới. Hiện nay, các cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đang bị manh mún nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sự liên thông, chưa tạo ra hình ảnh nền nghiên cứu khoa học nông nghiệp của một quốc gia có nông nghiệp là trụ đỡ. Do đó, sự hợp tác sẽ thúc đẩy và thu hút được thêm nhiều nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công-tư góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Tập trung nhiệm vụ đặc thù, sản phẩm chủ lực của địa phương
Theo chương trình đã ký kết, hai Bộ thống nhất giai đoạn 2021-2030 ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương. Đồng thời, 2 Bộ sẽ phối hợp xây dựng một số cụm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, một số chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, dư địa và nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều, thời gian tới cần ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ đặc thù và sản phẩm chủ lực của địa phương để khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt trong nước cũng như xuất khẩu.
Để khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Bộ sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, hai Bộ thực hiện thí điểm hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn-lĩnh vực đặc thù nên cần sự "ưu tiên đặc biệt, trong đó chú trọng nhiệm vụ đặc thù, sản phẩm chủ lực của địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển mang tính đột phá, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Giai đoạn 2021-2030, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm tạo ra diện mạo và sức cạnh tranh mới trên trường quốc tế, khẳng định sự hợp tác công-tư giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa nông sản Việt./.